Sự kiện hot
3 năm trước

Dệt may Thành Công (TCM) đạt 312 tỷ doanh thu trong 6 tháng đầu năm

Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 81 triệu USD (1.863 tỷ đồng), tăng 11%; lãi sau thuế 5 triệu USD (115 tỷ đồng), tăng 4,3% và thực hiện 41,3% kế hoạch năm.

Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. 

Theo đó, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 13,57 triệu USD (312 tỷ đồng), tương đương tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 955.000 USD (23 tỷ đồng), tăng 35% so với tháng trước nhưng giảm 44% so với tháng 6/2020.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 81 triệu USD (1.863 tỷ đồng), tăng 11%; lãi sau thuế 5 triệu USD (115 tỷ đồng), tăng 4,3% và thực hiện 41,3% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp cho biết, trong năm nay không có đơn hàng đồ bảo hộ cá nhân (khẩu trang) nhưng nhờ sự phục hồi của các đơn hàng may truyền thống và mảng kinh doanh vải sợi cải thiện.

Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, mảng sợi tăng tỷ trọng đóng góp từ 7% lên 11%, mảng vải giảm từ 22% xuống 15% và may mặc tăng từ 70% lên 73%. Năm nay, doanh nghiệp không có đơn hàng vải kháng khuẩn khiến doanh thu vải giảm.

Giá cotton đã tăng khoảng 18% trong quý I do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, giá sợi vào cuối tháng 3 tăng trung bình 26% so với cuối năm 2020. Giá sợi tăng mạnh mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp sợi nhưng gây khó khăn cho doanh nghiệp may mặc, chi phí may mặc tăng làm giảm biên lợi nhuận.

Thông tin từ Bộ Công Thương, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 15,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Vải nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 7,3 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ.

Sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 261,5 triệu mét, tăng 9,3% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 482,5 triệu mét, tăng 8,8% so với cùng kỳ; xơ, sợi dệt các loại tăng 62,2%, quần áo mặc thường ước đạt 1.882,9 triệu cái, tăng 9,7% so với 6 tháng đầu năm 2020. Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc… tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế dần phục hồi, dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trên thế giới rất dễ khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa bị trở ngại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng.

Hải My
Theo KTDU

Từ khóa: