Trong cơ cấu doanh thu, xuất khẩu vẫn đang chiếm phần lớn tổng doanh thu của TNG trong tháng 8 khi mang về 686 tỷ đồng. Thị trường Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của công ty khi chiếm 41% doanh số, kế tiếp là Pháp với 29% và Nga chiếm 7%.
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 8 ghi nhận mức doanh thu đạt 696 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 3% so với kế hoạch tháng. Lũy kế 8 tháng, doanh thu là 4.690 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu, xuất khẩu vẫn đang chiếm phần lớn tổng doanh thu của TNG trong tháng 8 khi mang về 686 tỷ đồng. Thị trường Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của công ty khi chiếm 41% doanh số, kế tiếp là Pháp với 29% và Nga chiếm 7%.
Nhiều đơn vị đã nhận định những tháng cuối năm ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương dự báo tình hình xuất khẩu dệt may sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 do diễn biến khó lường của dịch Covid khiến cho các quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Trước đó, tại “Talkshow chọn danh mục – kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát” do Báo Đầu Tư tổ chức giữa tháng 6, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT cho biết ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng 43 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Với tình hình lạm phát như hiện nay, mục tiêu này khó đạt được dù vẫn tăng trưởng khoảng 5%.
Theo lãnh đạo TNG, tính đến tháng 6 và 7, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dệt may vẫn rất tốt nhưng qua giai đoạn tháng 8 đến 12 sẽ có sự phân hóa rõ ràng giữa doanh nghiệp lớn, uy tín và doanh nghiệp vừa nhỏ.
Việc Mỹ và EU tăng lãi suất, sức mua thị trường giảm, đơn hàng từ các thị trường này sẽ giảm theo nhưng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Vị Chủ tịch TNG lý giải, khi lượng đơn hàng giảm sẽ tập trung vào những doanh nghiệp lớn, uy tín. Bản thân TNG đang ký với khoảng 4-5 khách hàng lớn ở Mỹ, Pháp, Colombia, tình hình đơn hàng vẫn ổn định.
Với thị trường Nga, giá trị đơn hàng năm 2021 của Dệt may TNG khoảng 10 triệu USD, năm nay dự kiến 20 triệu USD. Chiến tranh Nga – Ukraine diễn ra, 4 container hàng chở đi đã bị trả về. Song đến tháng 3, tình hình giao hàng và thanh toán thông suốt trở lại. Tới thời điểm giữa tháng 6, ông Thời đánh giá thị trường Nga vẫn rất tốt, đối tác đặt vấn đề nâng giá trị đơn hàng lên 30 triệu USD và có thêm 1 khách hàng.
Theo báo cáo ngành dệt may của SSI Research, đơn vị ước tính tăng trưởng doanh thu các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Lý do là bởi khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng từ 6 tháng xuống 3 tháng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. SSI Research dự đoán doanh thu và biên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Hà My
Theo KTDU