Sàn chứng khoán đã nhiều lần chứng kiến trong lịch sử cổ phiếu vừa mới lên sàn đã tăng giá vùn vụt, đem về "món hời" cho nhà đầu tư. Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào cũng như vậy, có những công ty gặp phải trúc trắc ngay từ ngày đầu tiên chào sàn...
Nhiều cổ phiếu có màn khởi đầu không suôn sẻ trong ngày chào sàn
Màn chạy “rốt đa” bị khớp của các cổ phiếu tài chính
Hồi đầu năm, CTCP Chứng khoán FPT (Mã: FTS) chính thức chào sàn HOSE. Không như nhiều cổ phiếu có tên tuổi khác có phiên chào sàn ấn tượng như Sabeco, Habeco… phiên giao dịch của FTS lại cho kết quả khá “cay đắng”.
Khởi đầu với giá tham chiếu 18.000 đồng/cp, nhưng kết phiên FTS mất 20% giá trị, giảm sát sàn xuống 14,400 đồng/cp với khối lượng dư bán hơn 213 nghìn đơn vị trong kịch bản “múa bên trăng” (ví von cổ phiếu trắng bên mua).
Tình trạng trên lại tiếp diễn vào phiên giao dịch thứ 2 khi FTS tiếp tục giảm sàn về mức 13.400 đồng/cp lượng dư bán 177 nghìn đơn vị.
Hai phiên tiếp theo, mặc dù không còn giảm sàn, song cổ phiếu FTS vẫn nhuộm sắc đỏ. Phiên ngày 18/1, có thời điểm cổ phiếu FTS chỉ còn 12.900 đồng/cp, mất đến 30% giá trị so với giá chào sàn sau vỏn vẹn 4 phiên giao dịch.
Diễn biến giá cổ phiếu FTS kể từ khi lên sàn đến nay. (Nguồn: VNDirect).
Một cổ phiếu chứng khoán khác của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) chuyển từ HNX sang HOSE vào ngày 18/8/2017. Động thái này diễn ra sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng trên HNX, có những tháng đầu năm VND tăng đến 90%.
Thị giá cổ phiếu VND ngày giao dịch cuối cùng trên HNX còn ở mức 24.900 đồng/cp, tăng khoảng 3,8% trước khi “chuyển nhà”. Thế nhưng, giá tham chiếu ngày đầu tiên trên HOSE chỉ còn 23.900 đồng với biên độ dao động +/-20%.
Chưa hết, ngay trong ngày "tân gia" 18/8, VND giảm 6% và liên tục giảm trong các phiên tiếp đó, thậm chí còn giảm sàn trong phiên 22/8. Hiện VND dao động quanh ngưỡng 20.500 đồng/cp, giảm 14% so với phiên chào sàn.
Ngày 17/8/2017, giới ngân hàng và các nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý với việc cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chào sàn HOSE.
Với hơn 1.33 tỷ cổ phiếu và mức giá tham chiếu 39.000 đồng/cp, VPBank trở thành ngân hàng tư nhân có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán thời điểm đó, đạt hơn 51,97 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại gom vào đến gần 37,4 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 2,8% vốn điều lệ VPBank.
VPBank lập hàng loạt kỷ lục ngày chào sàn
Trái với diễn biến “lên sàn tăng trần” thường xảy ra với những cổ phiếu có tên tuổi trước đây, VPB đã giảm mạnh trong phần lớn thời gian, có thời điểm giảm đến 10%. Nhờ một vài lệnh mua với khoảng vài chục nghìn đơn vị vào cuối phiên, giá VPB phục hồi lại về mức tham chiếu.
Tuy nhiên, những ngày sau đó, diễn biến VPB không mấy khả quan với 2 phiên liền giảm sâu trong từ 3,5% đến 4,5%. Kể từ đó đến nay, mặc dù xuất hiện hồi phục nhẹ vài phiên, cổ phiếu VPB vẫn chưa về lại giá tham chiếu, thanh khoản nhỏ giọt với bình quân chưa đầy 1 triệu đơn vị/phiên. Kết phiên 25/8 vừa qua, VPB ở mức 36.300 đồng/cp.
Nhà đầu tư quay lưng với những cổ phiếu ít triển vọng?
Hồi đầu năm nay, 10 triệu cổ phiếu TMB của CTCP Kinh doanh Than miền Bắc chào sàn HNX với giá tham chiếu 16.700 đồng/cp.
Trong phiên giao dịch đầu tiên, TMB lập tức giảm 13,2% xuống còn 14.500 đồng/cp. Giai đoạn gần 1 tháng sau đó, cổ phiếu này gần như không có tín hiệu hoạt động trên sàn trước khi quay trở lại và giảm giá một mạch lần nữa xuống còn 8.000 đồng/cp, giảm 45% chỉ trong vòng 2 tuần.
Diễn biến giá cổ phiếu TMB từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VNDirect).
TMB trước đây là Tổng công ty Quản lý và Phân phối than, được thành lập năm 1974. Năm 1995, chuyển về trực thuộc Tổng công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Hoạt động chính của TMB là kinh doanh và phân phối than, thị trường chủ yếu là các tỉnh miền Bắc. Doanh thu hàng năm của TMB chỉ èo ọt vài tỷ đồng và lợi nhuận hàng năm đâu đó cỡ chỉ vài chục triệu.
Và mới đây nhất ngày 25/8, CTCP Mai Linh Miền Bắc (Mã: MLN) chính thức đưa hơn 48,6 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.500 đồng/CP.
Tuy nhiên, ngay từ đầu phiên, cổ phiếu MLN đã giảm kịch sàn (40%) về dưới mệnh giá 6.900 đồng/cp và khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 100 cổ phiếu, trong khi dư bán giá sàn là 35.900 đơn vị.
Được biết, Mai Linh Miền Bắc là đơn vị do CTCP Tập đoàn Mai Linh nắm quyền kiểm soát, gồm 17 công ty thành viên và 1 chi nhánh, có trụ sở tại 17 tỉnh thành Miền Bắc từ Hà Nội vào đến Hà Tĩnh.
Doanh thu Công ty chủ yếu đến từ kinh doanh dịch vụ taxi, ngoài ra, còn có khoản doanh thu từ dịch vụ cho thuê xe, dịch vụ nhượng bán tài sản, cho thuê tài sản, dịch vụ sửa chữa…
Sự phát triển của các ứng dụng vận tải như Grab, Uber... là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư kém tin tưởng vào triển vọng của Mai Linh Miền Bắc
Việc các nhà đầu tư quay lưng lại với cổ phiếu MLN một phần nguyên do sự cạnh canh khốc liệt của các ứng dụng vận tải hành khách như Uber và Grab, ngoài ra là sự phát triển mạnh hơn của các loại hình vận tải công cộng trong tương lai…
Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz