Từ đầu năm đến nay có không ít doanh nghiệp bị phạt tiền hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ vì vi phạm quy định về xả nước thải ra môi trường.
Dự án Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị xử phạt 510 triệu đồng vì hàng loạt sai phạm liên quan đến bảo vệ môi trường. (Ảnh: An ninh thủ đô)
Mới đây vào giữa tháng 7, theo Kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo – chủ đầu tư dự án Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bị xử phạt 510 triệu đồng vì hàng loạt sai phạm trong cả 4 lĩnh vực: bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước.
Trong đó, ở lĩnh vực tài nguyên nước, đơn vị đã khoan thăm dò nước dưới đất sâu 120 mét nhưng chưa có giấy phép; chưa điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải của Giấy phép xả nước thải vào nguồn được cấp; chưa lắp đặt thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động theo quy định...
Về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, doanh nghiệp không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành giai đoạn 2 và 3 của dự án; chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cục bộ trước khi thải ra các hồ lắng quặng; trong khi các hồ lắng này là ao hồ, hố đất tự nhiên, chưa được lót đáy đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo nước thải không thấm vào môi trường đất, nước ngầm theo quy định.
Ngoài ra, theo Kết luận thanh tra, trong lĩnh vực đất đai, công ty Núi Pháo đã thu hồi đất không đúng quy hoạch; chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Trong lĩnh vực khoáng sản, công ty phát hiện có khoáng sản mới nhưng không báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép; làm phát tán hơi dung môi hữu cơ, hóa chất đặc trưng trong quá trình tuyển, chế biến khoáng sản...
Bộ TN&MT đã buộc công ty đình chỉ và khắc phục ngay vi phạm: xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường, lập hồ sơ thực hiện các công trình để trình Bộ kiểm tra, xác nhận hoàn thành…
Dự án Núi Pháo (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) là dự án khai khoáng lớn nhất Việt Nam của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo - đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Công ty Masan).
Mỏ Núi Pháo được xem là mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, đang do công ty Masan Resources đầu tư và khai thác. Dự án thực hiện trên diện tích 921,1 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.019 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư thực tế trên 13.000 tỷ đồng (tương đương gần 600 triệu USD).
Trước đó vào đầu tháng 6, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) bị Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phạt gần 1,6 tỷ đồng với 5 vi phạm hành chính tại dự án bãi rác Đa Phước.
Cụ thể, VWS xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 - dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 - dưới 1.200 m3/ngày. Nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải MBR, công suất xử lý của hệ thống là 1.000 m3/ngày đêm ra kênh Rạch Ngã Cạy. Với hành vi này, tiền phạt là 418 triệu đồng. Đoàn kiểm tra yêu cầu phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật.
Công ty còn xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 - dưới 3 lần trong trường hợp thời lượng nước thải từ 2.000 - dưới 2.500 m3/ngày, nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý hóa lý có công suất thực tế xử lý khoảng 2.200 m3/ngày đêm. Vi phạm này bị phạt 750 triệu đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp không xây lắp, cải tạo các Module xử lý nước rỉ rác với tổng công suất là 6.080 m3/ngày đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt; không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải; không thu gom, lưu giữ nước rỉ rác tại hồ chứa nước rỉ rác tập trung theo cam kết mà lưu giữ tại ô chôn lấp số 2; chôn lấp rác đạt công suất trên 3.000 tấn/ngày từ tháng 3/2015 nhưng chưa được kiểm tra, cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định…
VWS là công ty thành viên 100% vốn của Công ty California Waste Solution - CWS (trụ sở tại California, Hoa Kỳ), cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn cũng như vận hành các nhà máy xử lý (bãi chôn lấp kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh; nhà máy tái chế, phân loại; khu vực làm phân compost; trạm trung chuyển và dịch vụ thu gom chất thải rắn).
Người sáng lập VWS là ông David Dương, việt kiều Mỹ, đồng thời ông cũng là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty California Waste Solutions (CWS), California, Hoa Kỳ.
Cuối tháng 3, cũng bị xử phạt hành chính vì lỗi xả nước thải ra môi trường, Nhà máy tinh bột sắn Bá Thước (tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước) của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa phải chịu mức phạt 310 triệu đồng.
Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa xác minh, Nhà máy tinh bột sắn Bá Thước đã xả nước thải vào nguồn nước có hàm lượng chất ô nhiễm vượt quá giới hạn quy định trong giấy phép xả nước thải do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp. Lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước này đã bị tỉnh xử phạt số tiền là 260 triệu đồng.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước xả nước thải vào nguồn nước có hàm lượng chất ô nhiễm vượt quá giới hạn quy định trong giấy phép xả nước thải do UBND tỉnh cấp. (Ảnh: Dân trí)
Thời điểm đó, doanh nghiệp bị yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm trước ngày 30/3, chi trả kinh phí phân tích mẫu nước xả thải theo quy định, thông qua Thanh tra Sở TN&MT, báo cáo kết quả về UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, nhiều hộ dân sống trên địa bàn xã Thiết Ống cũng từng phản ánh về việc nhà máy này gây ra tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thanh tra Sở TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp cùng chính quyền xã, huyện tiến hành kiểm tra, sau đó đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với nhà máy số tiền 50 triệu đồng.
Những vi phạm khi đó là không lắp đặt thiết bị quan trắc lưu lượng nước (đồng hồ đo lượng nước) thải tại vị trí cửa xả thải, trước khi xả nước thải vào sông Mã. Sau thanh tra, công ty xuất nhập khẩu rau quả Thanh Hóa buộc phải lắp đặt thiết bị quan trắc nguồn nước theo quy định trước ngày 30/3.
Tương tự, vào cuối tháng 6, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha (Khu công nghiệp Minh Hưng III, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cũng phải chịu mức phạt 70 triệu đồng vì liên tục xả thải nước hôi thối ra môi trường.
Cụ thể, công ty không tuân thủ các nội dung báo cáo ĐMT, những yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐMT cũng như giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Đơn vị đã để lượng nước thải chưa qua xử lý tràn ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh.
Sở TN&MT tỉnh buộc công ty Dongwha phải khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong vòng một tháng, báo cáo kết quả thực hiện đến cơ quan chức năng theo quy định.
Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha thành lập năm 2008, là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dongwha của Hàn Quốc và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Công ty đã đầu tư dự án ván gỗ ép trị giá 160 triệu USD, được trang bị công nghệ được cho là hiện đại, quy mô sản xuất 1.000 m3/ngày và 300.000 m3/năm.
Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz