Phô trương giá trị thương mại, quảng bá văn hóa hay đề cao tính nhân văn là những yếu tố nên được cân nhắc khi chọn phim dự tranh Oscar.
Phô trương giá trị thương mại, quảng bá văn hóa hay đề cao tính nhân văn là những yếu tố nên được cân nhắc khi chọn phim dự tranh Oscar.
Nếu giải Oscar phim hay nhất được trao cho nhà sản xuất, thì giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc được xem là dành cho quốc gia gửi phim dự thi, đạo diễn là người đại diện lên nhận tượng vàng Oscar.
Có đến hơn 10 phim Việt đủ điều kiện đại diện VN tranh giải Oscar 2012. Trong ảnh: phim "Khát vọng Thăng Long"
Lựa chọn ứng viên dự tranh giải Oscar, do vậy, còn được hiểu như là thông điệp mà quốc gia muốn gửi tới thế giới điện ảnh. Ngoài ra, phim còn phải phù hợp với những giá trị mà Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ nêu bật khi xét chọn vào danh sách đề cử và ứng viên thắng giải.
Doanh thu “khủng” hay quảng bá văn hóa?
Xét trên giá trị thương mại, có thể nói trong năm qua điện ảnh Việt đã chế biến được tiệc phim chiều chuộng tối đa thị hiếu của khán giả, từ tình cảm, hài hước đến hình sự, kinh dị. Tính giải trí thuần túy – một trong những nhân tố tạo ra giá trị thương mại mạnh mẽ cho phim – đã mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho những Cô dâu đại chiến, Bóng ma học đường, Thiên sứ 99, Sài gòn Yo!, Giữa hai thế giới, Long Ruồi…
Lẽ dĩ nhiên, mục tiêu giúp khán giả “mua vui vài trống canh” và giúp nhà sản xuất thu được lợi nhuận “khủng” đã khiến thể loại phim này (cùng những người làm ra chúng) tự loại mình ra khỏi cuộc đua của bất kỳ giải thưởng nào đặt mục tiêu tôn vinh những giá trị nghệ thuật để lại cho mai sau.
Điều này không có nghĩa giá trị thương mại bị xem nhẹ trong các giải thưởng, nhất là khi nó được đẩy tới tận cùng. Trong chừng mừng nhất định, nó vẫn được cân nhắc. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: “Oscar rất khác với những liên hoan phim nghệ thuật khác bởi sự hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật và thị hiếu thưởng thức của số đông công chúng”.
Mục tiêu “mua vui vài trống canh” khiến những phim như Long Ruồi (ảnh), Cô dâu đại chiến… tự loại mình ra khỏi cuộc đua của giải thưởng điện ảnh
Mặt khác, tính giải trí trong phim Việt còn mang nặng thị hiếu địa phương, chưa thể đạt đến tầm phổ quát để có thể vươn ra thế giới. Bằng chứng là nhiều phim tình cảm, hài ăn khách ở VN như Để mai tính, Chuyện tình xa xứ…chỉ đạt doanh thu khiêm tốn trong khoảng 170 ngàn USD khi chiếu thương mại ở Mỹ. Trong khi đó, Hollywood, thậm chí cả điện ảnh Hoa Ngữ, Hàn ngữ, châu Âu…đã lxuất khẩu được những bộ phim giải trí có thể lấy được cảm xúc của người xem thuộc bất kỳ nền văn hóa nào.
Một xu thế khác thể hiện trong cách chọn phim gần đây của các nước Á Đông là tìm cách “tiếp thị” văn hóa bằng bộ phim gửi đi. Có thể thấy điều này trong những bộ phim nặng tính thị uy văn hóa và tuyên truyền lịch sử như Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp của Trung Quốc; Dạ yến, Họa bì của Hong Kong… Ngạc nhiên hơn, năm 2008, Trung Quốc còn gửi đi dự thi bộ phim tài liệu Dream-building 2008 ca ngợi công tác tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và công cuộc cải tổ kinh tế của nước này!
Thực tế cho thấy, những ứng viên thuần túy thương mại hay quảng bá văn hóa, dù hấp dẫn và lấp lánh đến mấy cũng đều…thất bại. Đây là điểm mà các vị trong Hội đồng duyệt phim quốc gia có lẽ nên cân nhắc, nhất là khi trong số các ứng cử viên có thể đại diện cho VN sắp tới, có cả các phim được làm để chào mừng đại lễ như Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca.
"Bi, đừng sợ!" đang là ứng cử viên sáng giá nhất nhờ hội đủ nhiều yếu tố
Chọn tính nhân văn và sáng tạo độc đáo?
Có thể thấy hai đặc trưng lớn này trong hầu hết các phim được đề cử và đoạt giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trong lịch sử 65 năm của riêng hạng mục giải thưởng này.
Năm ngoái, giải này thuộc về In a Better World (Ở thế giới tốt hơn) của Đan Mạch. Bộ phim gây xúc động cho khán giả trong câu chuyện kể về cái chết của người mẹ và sự không gần gũi của người cha đã đẩy một cậu bé rơi vào con đường bạo lực và thù ghét. Câu chuyện xảy ra ở một thành phố văn minh phương Tây nhưng lại là một hoàn cảnh phổ quát có thể tìm thấy ở nhiều quốc gia khác.
Đạo diễn Vinh Sơn nhận xét: “Tính sáng tạo độc đáo được các giám khảo Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ đặt lên hàng đầu. Nếu một phim hay, ăn khách nhưng giống cả ngàn phim khác đã được làm trước đó, sẽ rất khó đoạt giải”.
Kinh nghiệm của vị đạo diễn từng tham dự và quan sát rất nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế cho thấy, để không tốn tiền, tốn thời gian làm chuyện không hi vọng, có lẽ nên chọn những phim đã được khẳng định ở các liên hoan trước đó.
Xét trong hoàn cảnh trên, điện ảnh Việt xem như chỉ còn hai ứng cử viên sáng giá là Cánh đồng bất tận và Bi, đừng sợ!. Trong đó, Bi, đừng sợ! nổi bật hơn nhờ trước khi ra rạp tại VN, phim đã đoạt 7 giải thưởng khác nhau tại 5 liên hoan phim quốc tế.
Minh Chánh
Theo Vietnamnet