Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên nói chung và Đồn Biên phòng Mường Mươn nói riêng đã triển khai nhiều kế hoạch, phương hướng cùng chung sức giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới ngày càng tiến bộ, tạo nguồn thu tích cực cho bà con địa phương vùng biên còn nhiều khó khăn.
Giữ vững ổn định an ninh chính trị - trật tự xã hội
Qua tìm hiểu, được biết Đồn Biên phòng Mường Mươn, huyện Mường Chà được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới Việt Nam - Lào dài 21,813km với 7 mốc giới. Địa bàn quản lý 3 xã biên giới Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ; có 33 bản với 2.839 hộ, gồm 5 dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Kháng cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 71,2% dân số trên địa bàn.
Trong 6 tháng qua, địa bàn đồn quản lý chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới được giữ vững; đường biên, mốc quốc giới phạm vi đồn phụ trách đảm bảo nguyên trạng. Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn 3 xã còn nhiều khó khăn: Trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, di cư tự do… vẫn còn xảy ra trên địa bàn là yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Khắc phục những khó khăn trên, bà con nhân dân đến cán bộ, chiến sĩ luôn đồng lòng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác vận động quần chúng: Đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể địa phương tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam; Pháp luật về phòng chống mua bán người; Luật phòng chống tội phạm ma túy; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật tín ngưỡng tôn giáo… được 54 buổi với 3.319 lượt người tham gia.
Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương 3 xã biên giới tuyên truyền và phát động phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm; phòng chống xuất nhập cảnh trái phép” được 33/33 bản với 231 lượt cán bộ tham gia tuyên truyền.
Công tác tuần tra biên giới, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương 3 xã biên giới tuần tra đường biên, mốc giới được 18 lượt với 126 người tham gia…
Xây dựng mô hình kinh tế điểm mang lại hiệu quả cao
Chung sức đồng lòng, cùng tham gia phát triển kinh tế, xã hội tại địa bàn; xây dựng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao giúp bà con địa phương nâng cao thu nhập. Trong đó có một số mô hình đã và đang triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế như: Mô hình trồng bí xanh; mô hình nuôi hươu sinh sản; mô hình trồng cây sa nhân… ngày càng được bà con ở xã Mường Mươn nhân rộng.
Thiếu tá Vàng A Chua - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Mươn chia sẻ: Với đặc thù của địa phương là xã vùng khó khăn với đa số là người dân tộc thiểu số vùng cao, trình độ còn hạn chế dẫn đến việc phát triển kinh tế gia đình còn nhiều bấp bênh. Đồn đã phối hợp với chính quyền xã vận động, tuyên truyền bà con địa phương cùng chung sức xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điểm để giúp bà con tăng thêm thu nhập.
Điển hình mô hình trồng bí xanh tại địa phương được triển khai trong 2 năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, 1 ha bí cho sản lượng trên 10 tấn quả, với giá bán trung bình từ 5.000- 15.000 đồng/kg đã góp phần mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Tham quan mô hình nuôi hươu sinh sản của hộ ông Quàng Văn Quang xã Mường Mươn là mô hình mới đang được triển khai, từ 23 con hươu nay đã phát triển lên 27 con trong đó bước đầu đã được thu lấy nhung hươu. Ông Quàng Văn Quang cho biết: Gia đình vừa bán được trên 5 triệu đồng nhưng hươu và hiện còn vài đôi chưa bán, hy vọng với mô hình này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, đây là mô hình mới còn nhiều bỡ ngỡ trong cách chăm sóc, phòng trừ bệnh tật, vẫn mong được các ban ngành hỗ trợ các quy trình kỹ thuật để các hộ gia đình yên tâm mở rộng…
Được biết, dự án nuôi hươu sinh sản tại xã được cho 3 nhóm hộ tại bản Mường Mươn 1, 2 với tổng số lượng 78 con để góp phần giúp bà con địa phương phát triển kinh tế.
Trở lại UBND xã Mường Mươn với cơ sở hạ tầng rộng rãi, thuận lợi cho bà con học tập sinh hoạt cũng như giao lưu các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ông Lò Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã là địa bàn khó khăn có 11 bản, 907 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm gần 46%, hiện còn 6 bản vùng cao vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Mong muốn với những dự án, các mô hình phát triển kinh tế mới như: Dự án trồng cây Sa nhân tại bản Púng Giắt 1,2; Trồng bí xanh; nuôi hươu sinh sản… sẽ góp phần giúp bà con địa phương tăng thêm thu nhập giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đồn Biên phòng Mường Mươn sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương 3 xã biên giới xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn các mô hình hay và nhân rộng mô hình đã thí điểm có hiệu quả. Cùng với đó, liên kết với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tìm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm hỗ trợ bà con địa phương phát triển kinh tế xây dựng đời sống ngày một khá lên.
Hàng A Trứ - Lê Hải/ VP Tây Bắc
Theo KT&ĐU