Bức tranh kinh tế tỉnh Điện Biên trong năm qua đã có nhiều gam màu sáng, đặc biệt là giá trị sản xuất ngành Xây dựng - lĩnh vực có tốc tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế đóng góp khá lớn vào tăng trưởng chung của kinh tế, nhất là trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, kinh tế của tỉnh trong năm 2022 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại.
Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2022, một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu với những ảnh hưởng hậu COVID-19. Trong năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên luôn quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tổ chức triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm quảng bá, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên năm 2022 ước đạt 10,19%, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc - Đó là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Sau khi các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, cùng với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, việc đưa vào khai thác, sử dụng một số công trình văn hóa đặc trưng như bức tranh Panorama, Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ... đã góp phần nâng sức thu hút du khách đến với Điện Biên. Dự ước năm 2022, lượng khách du lịch đạt 810 nghìn lượt, tăng 2,35 lần so với năm 2021 và đạt 103,8% kế hoạch, trong đó khách du lịch quốc tế là 3 nghìn lượt, đạt 30% kế hoạch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.380 tỷ đồng tăng 2,12 lần so với năm 2021 và đạt 102,5% kế hoạch.
Giá trị sản xuất ngành Xây dựng - lĩnh vực có tốc tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế ước đạt trên 7.052 tỷ đồng, tăng 16,36% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp khá lớn vào tăng trưởng chung của kinh tế, nhất là trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, kinh tế của tỉnh Điện Biên trong năm 2022 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại (tăng 40,97% so với năm 2021).
Những kết quả trên cho thấy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; song với sự thống nhất cao trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của Nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022 tỉnh đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá. Từ đó, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2022 xếp thứ 14/63 tỉnh thành trên cả nước và là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Có thể khẳng định, những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội năm 2022. Đồng thời, cũng là minh chứng về một Điện Biên “rất khác” trong định hướng, tư duy, tầm nhìn phát triển; hay một Điện Biên đã ở một đẳng cấp khác trên thang bậc phát triển chung.
Năm mới 2023 - năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của nghị quyết đại hội đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trên nền tảng thành quả đạt được của năm 2022, tỉnh Điện Biên đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 10% trở lên; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 2.440 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt trên 3.390 tỷ đồng; đón trên 931 nghìn lượt khách... Trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, nhất là hoàn thành các chỉ tiêu lĩnh vực kinh tế, đòi hỏi các đơn vị, địa phương phải đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra. Từ đó, tạo đà tăng tốc cho việc thực hiện các mục tiêu trong những năm tiếp theo, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Thanh Tú
Theo KTĐU