Vừa qua tại Hà Nội, Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa (VOIEF – Vietnam Online Import-Export Forum) diễn ra giữa bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, mở ra cánh cửa giúp các doanh nghiệp Việt hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Sự kiện cũng đánh dấu việc ra mắt Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN), một giải pháp chuyển đổi số tối ưu dành cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Diễn đàn VOIEF 2020 là sự kiện có quy mô toàn quốc. Đến dự có các Bộ, ban ngành Trung ương; đại diện Sở Công Thương 63 tỉnh/thành phố; Tham tán thương mại các nước EU tại Việt Nam và Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước; đại diện các tổ chức quốc tế hỗ trợ xúc tiến thương mại như USAID, ArmCharm, USABC, EUROCHAM … cùng đại diện của gần 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và xuất nhập khẩu.
Tại diễn đàn VOIEF 2020, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa; đồng thời tạo cơ hội cho các bên liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá đẩy mạnh chuyển đổi số, nắm bắt những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do, bao gồm EVFTA, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ Covid -19.
Tại diễn đàn VOIEF 2020, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa; đồng thời tạo cơ hội cho các bên liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá đẩy mạnh chuyển đổi số, nắm bắt những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do, bao gồm EVFTA, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ Covid -19.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN). Đây là một giải pháp chuyển đối số trên nền tảng thương mại điện tử B2B tích hợp cộng đồng giao thương chuyên ngành xuất nhập khẩu với mục tiêu hỗ trợ kết nối trực tiếp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đến nhà nhập khẩu nước ngoài, đồng thời truyền tải thông tin giao thương, thị trường nhanh chóng từ các Thương vụ Việt Nam ở các nước đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc trung tâm Ecomviet, thuộc Cục Thương Mại Điện Tử và Kinh Tế Số- Bộ Công Thương cho biết: “ECVN 2020 là sự kết hợp giữa phiên bản cũ của Cổng thương mại điện tử quốc gia Việt Nam ECVN khai trương ngày 26/08/2005 theo Quyết định số 266/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp thời điểm đó nhanh chóng tiếp cận phương thức kinh doanh rất mới mẻ vào thời điểm đó là thương mại điện tử, và Vietnamexport – Cổng thông tin đăng tải các thông tin kinh tế, thương mại, thị trường và luật pháp kinh doanh của các nước trên thế giới nhằm phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu thị trường, xây dựng phương án kinh doanh đẩy mạnh xuất khẩu”.
“Là sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình B2B, ECVN đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công và trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng quốc tế trong nhiều năm qua”, ông Phạm Tấn Đạt – Tổng Giám đốc Fado, công ty tiên phong về thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, đơn vị đồng hành, phát triển nền tảng ECVN cho biết.
“ECVN phiên bản 2020 ra đời với sự kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận có định hướng thị trường nước ngoài theo các hiệp định như EVFTA, CPTPP… một cách nhanh chóng, chính xác và nâng cao tỷ lệ ký kết thành công các hợp đồng giao thương. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật kiến thức về thương mại điện tử và các hoạt động chuyển đổi số bên trong doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập nền kinh tế số”, ông Đạt nói thêm.
Trong đó, công ty Fado đóng vai hỗ trợ các doanh nghiệp gia nhập, đơn giản hóa việc vận hành khai thác có hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử này; cung cấp các giải pháp giá trị gia tăng, để ứng dụng tối đa công năng của thương mại điện tử xuyên biên giới trong việc xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, Fado sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa có nhiều ngân sách, nguồn nhân lực cũng như kinh nghiệm, bắt đầu từ việc mở gian hàng, cung cấp các giải pháp vận hành gian hàng hiệu quả, tư vấn xây dựng nhận diện thương hiệu, tối ưu hóa gian hàng, thông tin sản phẩm. Marketing sản phẩm trên môi trường trực tuyến, chủ động khai thác dữ liệu để tìm kiếm nhà nhập khẩu có nhu cầu phù hợp đến xúc tiến, tạo ra các cơ hội giao thương...
Trên thực tế, nước ta có tiềm năng xuất khẩu, giao thương lớn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp SME đang gặp phải không ít khó khăn để đưa sản phẩm, hàng hóa ra thị trường quốc tế. Trước đây, các SME thường tìm kiếm đối tác nước ngoài theo cách thức truyền thống như tham gia triển lãm, làm việc với các văn phòng xúc tiến thương mại. Giờ đây, các doanh nghiệp nói trên có thể vượt qua rào cản bằng việc đầu tư cho xuất khẩu trực tuyến bằng cách gia nhập vào nền tảng hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến của quốc gia Việt Nam để khai.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, bên cạnh việc ra mắt nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN), các cơ quan quản lý cũng đang từng bước xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ thương mại điện tử, thúc đẩy nền kinh tế số.
Việc ký kết Hiệp định EVFTA, Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ 2 trong ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới đang chiếm tỉ trọng 40% ngoại thương toàn cầu. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Cam kết này sẽ nâng tầm quy mô thị trường hàng xuất khẩu, góp phần quan trọng đưa “con tàu kinh tế” Việt Nam tăng trưởng, phát triển bền vững, tiến về phía trước.
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt sau cuộc đại bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Hoàng Nhung
Theo KTĐU