Từ mức đỉnh đạt được cao nhất kể từ khi niêm yết (theo giá điều chỉnh) là 146.270 đồng/cổ phiếu trong phiên 29/1/2018, thị giá cổ phiếu RAL liên tục đi xuống theo đà ‘down-trend’. Đóng cửa phiên giao dịch 20/7, thị giá RAL chỉ còn 89.000 đồng/cổ phiếu, giảm 1,7% so với mức giá tham chiếu và giảm hơn 39,1% so với thời điểm giá RAL đạt đỉnh, tương đương mức vốn hóa RAL giảm đến hơn 650 tỷ đồng.
BCTC quý I/2018 – thông tin hỗ trợ gần nhất, cho thấy doanh thu thuần RALđạt hơn 908,5 tỷ đồng, tăng 3,39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt hơn 49 tỷ đồng và tăng hơn 2% so với quý I/2017.
Như vậy, so với kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, doanh thu và LNTT RAL đã hoàn thành lần lượt 28% và 30%.
Vậy đâu là lý do khiến cổ phiếu RAL giảm mạnh?
Đặt kế hoạch kinh doanh LNST 2018 giảm so với năm 2017
Trong năm 2018, RAL đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.270 tỷ đồng, bằng so với năm 2017. Song vậy, LNTT mục tiêu của Công ty lại chỉ có 206 tỷ đồng, giảm 24% so với mức thực hiện năm ngoái. Năm 2018, RAL đề ra kế hoạch dừng việc sản xuất bóng đèn truyền thống và chỉ tập trung sản xuất sản phẩm đèn LED.
Tại ĐH, bất chấp việc doanh thu 2017 đạt 3.270 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2016 và LNST đạt 214,3 tỷ, tăng 45,74% (nhờ tỷ trọng dòng sản phẩm biên lợi nhuận cao là đèn LED tăng từ 23% trong năm 2016 lên 39% năm 2017), HĐQT vẫn đánh giá sự tăng trưởng này là thiếu bền vững và chưa giải quyết nhiều vấn đề nội tại như: chất lượng thông tin thị trường, marketing bán hàng, tổ chức xây dựng, phát triển và chăm sóc hệ thống khách hàng cấp 2, cấp 3. Tổ chức thị trường đã không theo kịp tốc độ suy giảm mạnh của dòng sản phẩm truyền thống (CFL, FL) và tốc độ tăng trưởng đột biến của sản phẩm LED.
Đó là chưa kể đến lĩnh vực đèn LED ghi nhận có đến 200 doanh nghiệp hoạt động, trong đó các doanh nghiệp lắp ráp có quy mô nhỏ lẻ chiếm 60 – 70% thị phần. Các doanh nghiệp FDI như Philips, Osram, Seoul Semiconductor, … chiếm 15 – 20% thị phần. Trong khi đó, thị phần của Rạng Đông là 12,28%, của Điện Quang là 9,56%.
Đối thủ cạnh tranh chính của Rạng Đông là các doanh nghiệp lắp ráp trên thị trường do các doanh nghiệp này nhập các thiết bị từ Trung Quốc về lắp ráp và bán với giá rẻ gây áp lực làm giảm giá bán trên thị trường.
Từ năm 2016 đến nay giá bán sản phẩm LED của Điện Quang và Rạng Đông đã phải giảm giá tối thiểu khoảng 30%. Đặc biệt, dòng sản phẩm bóng đèn LED Bulb của hai doanh nghiệp đã giảm giá 50% so với giá năm 2016. Đối với Rạng Đông, giá bán đèn LED tại thời điểm tháng 3/2018 đã giảm 10% so với giá bán năm 2017.
Ngoài ra, việc phải nâng cấp dây chuyền sản xuất đèn LED lên 40 triệu sản phẩm/năm đến tháng 7 mới hoàn thành, trong khi đó RAL đề ra mục tiêu công suất cả năm 2018 đạt hơn 28 triệu sản phẩm/năm, gấp 1,6 lần năm 2017, FPTS đánh giá hoàn thành kế hoạch doanh thu là mục tiêu khó thực hiện với RAL. Ngoài ra, năm 2018, thuế nhập khẩu mặt hàng bóng đèn mã số HS 8539 bị giảm theo các Hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, từ năm 2018, áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới sẽ ngày càng lớn.
Dấu hỏi về Công ty Gia Lộc Phát – Công ty của Chủ tịch HĐQT RAL
Trong cơ cấu cổ đông của RAL, công đoàn Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nắm 4,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 42,9%; Chủ tịch HĐQT Lê Đình Hưng nắm 1,1 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,3% và bà Lê Thị Kim Yến – em ông Hưng, nắm 1,7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15,1%.
Điều đáng chú ý nằm ở doanh thu giao dịch và khoản phải thu của RAL liên quan tới Công ty Gia Lộc Phát – Công ty của ông Chủ tịch HĐQT, với RAL đang ngày càng tăng kể từ năm 2014.
Trong năm 2016, doanh thu bán hàng liên quan tới Gia Lộc Phát tăng đột biến từ 963 tỷ đồng lên đến 1.132 tỷ đồng, chiếm 38,50% tổng giá trị doanh thu. Trong khi đó, Phải thu ngắn hạn của khách hàng liên quan tới Gia Lộc Phát cũng tăng từ 14 tỷ lên gần 42,3 tỷ đồng.
Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, doanh thu thuần của Gia Lộc Phát trong năm 2016 lên đến 1.110 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Song vậy, do giá vốn quá cao lên đến 1.103 tỷ đồng, LNTT Gia Lộc Phát đạt 527 triệu đồng. Trừ đi chi phí thuế TNDN hiện hành và chi phí thuế TNDN hoãn lại, Gia Lộc Phát lỗ hơn 17 triệu đồng.
Tính đến năm 2017, giao dịch với Gia Lộc Phát đã lên đến 1.271 tỷ đồng, chiếm 39% doanh thu của Công ty. Phải thu ngắn hạn của khách hàng liên quan tới Gia Lộc Phát tiếp tục tăng mạnh lên hơn 180 tỷ đồng.
Hóa Khoa
Theo Nhà đầu tư