Do nắm bắt được tâm lý muốn được vay vốn lãi suất thấp của chủ đầu tư khi tiếp nhận dự án có vốn đầu tư lớn, các đối tượng đã làm giả các quyết định, con dấu của cơ quan có thẩm quyền để khiến chủ đầu tư phải chi tiền lót tay. Với chiêu bài này, các đối tượng này đã chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp.
Chiếm đoạt hàng chục tỷ tiền “lót tay”
Theo cáo trạng, năm 2012, Công ty cổ phần Bắc Trung Nam, do bà Đỗ Thị Hồng làm Giám đốc được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt làm chủ đầu tư Dự án Bệnh viện đa khoa dưỡng lão và phục hồi chức năng Bắc Trung Nam. Dự án có vốn đầu tư 543 tỷ đồng.
Khoảng tháng 9/2013, bà Hồng nhận được điện thoại của người đàn ông tự xưng là Phan Ngọc Thực, cán bộ Ban quản lý Dự án Chính phủ. Sau đó, nhiều lần bà Hồng ra Hà Nội gặp Thực.
Phan Ngọc Thực hứa hẹn sẽ giúp bà Hồng vay được 8.000 tỷ đồng, lãi suất 1%/năm, thời hạn vay 50 năm. Nếu chủ đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích thì sẽ chuyển thành khoản vay không hoàn lại. Tin tưởng vị cán bộ mới quen, bà Hồng làm hồ sơ vay vốn và được Thực dẫn đến gặp Trần Ngọc Quyết - “Trưởng Ban quản lý Dự án Chính phủ”.
Theo lời hướng dẫn của Thực, bà Hồng chuyển 1,3 tỷ đồng phí “lót tay” để lo vốn cho dự án. Năm 2014, Thực và Quyết đến gặp bà Hồng để thẩm tra dự án. Để được vay vốn ưu đãi, theo hướng dẫn của Thực, bà Hồng ký hợp đồng tổng thầu EPC với Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Bắc Hà.
Lập xong hợp đồng, tháng 7/2014, Thực đưa cho bà Hồng bản quyết định giải ngân của Thủ tướng Chính phủ, có chữ ký, con dấu với số tiền vay 8.000 tỷ đồng. Đối tượng dặn bà Hồng phải giữ bí mật, không được thông tin cho ai biết.
Tuy nhiên, mặc dù đã chi tiền lót tay, nhưng Công ty cổ phần Bắc Trung Nam không nhận được tiền giải ngân như cam kết. Bà Hồng nhiều lần đến gặp Thực, Quyết thì đối tượng khất lần, lẩn tránh. Vì vậy nạn nhân làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi chiếm đoạt tiền của các đối tượng này.
Cũng theo cáo trạng, không chỉ Công ty cổ phần Bắc Trung Nam, nhiều chủ đầu tư khác cũng trở thành nạn nhân của nhóm “siêu lừa” này như Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ, Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và thương mại Minh lộc, Công ty cổ phần Xây dựng Phương Đông…
Điển hình, năm 2013, thông qua người quen, ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Phương Đông biết đến Phan Ngọc Thực và Trần Ngọc Quyết. Các đối tượng cho ông Hiệp xem bản danh sách các dự án được phê duyệt giải ngân. Nếu ông Hiệp nhận thi công dự án nào thì phải nộp chi phí “lót tay” là 2% tổng số tiền đầu tư dự án. Ông Hiệp thu xếp được 2 tỷ đồng đưa cho Thực.
Để nạn nhân tin tưởng, Quyết và Thực cùng nạn nhân đi xem các dự án từ Hà Nội vào TP.HCM. Sau đó, ông Hiệp “chấm” Dự án Xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, ông Hiệp không nhận được tiền vay vốn. Số tiền chi 2 tỷ đồng cũng “bay” theo “lãnh đạo Ban quản lý Dự án Chính phủ”.
Giả quyết định, con dấu
Cơ quan điều tra xác định, Trần Ngọc Quyết (sinh năm 1953, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là đối tượng không có nghề nghiệp, từng mang án Trộm cắp tài sản. Quyết kết bè với Phan Ngọc Thực (sinh năm 1971, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Bạch Diệp) mạo danh lãnh đạo Ban quản lý Dự án Chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 7 chủ đầu tư dự án, nhà thầu xây dựng, với tổng số tiền 25,7 tỷ đồng.
Trong số tiền chiếm đoạt, Trần Ngọc Quyết hưởng 8,5 tỷ đồng; Phan Ngọc Thực là 17,2 tỷ đồng. Hiện nay các bị can mới khắc phục được số tiền 8,5 tỷ đồng.
Hàng loạt giấy chứng nhận, quyết định giải ngân vốn vay có chữ ký, hình dấu của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ được các đối tượng làm giả tinh vi.
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã truy tố đối với Trần Ngọc Quyết, Phan Ngọc Thực về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Hà Linh
Theo Đầu tư Chứng khoán