Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh tạo giá trị bền vững

Ngày 20/4, Bộ Công Thương phối hợp với trường Đại học RMIT, các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 trong khuôn khổ Tuần lễ thương hiệu quốc gia năm 2023 chào mừng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4. Diễn đàn xoay quanh chủ đề: "Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, qua 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chương trình cũng luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ với chất lượng cao.

Đến nay, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Cụ thể, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).

Với sự hỗ trợ của chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Nhờ đó, trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023

Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, kết quả trên cho thấy các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu, nhờ đó nâng cao vị thế vững chắc trong bảng xếp hạng. Đồng thời, kết quả cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã dần bắt kịp với xu thế toàn cầu là đầu tư vào giá trị thương hiệu, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Hiện nay, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy thương hiệu Xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA... bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường. Nếu thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu...

Tại Diễn đàn, bà Nancy Elizabeth Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California, Fullerton đánh giá Việt Nam hiện nay số lượng thương hiệu có danh tiếng ngày một nhiều, bao gồm cả thương hiệu nước ngoài và thương hiệu nội địa. Thương hiệu tốt nhất hiện nay không chỉ đưa ra dịch vụ tốt, sản phẩm tốt mà quan trọng là đưa ra lời hứa để khẳng định sự tin tưởng vào thương hiệu.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với hoạt động phát triển thương hiệu; đồng thời doanh nghiệp cần có cách tiếp cận chuyên nghiệp trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài.

PV

Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: