Theo kế hoạch ban đầu, gia đình Nguyễn Văn Thắng (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) cùng với gia đình hai người bạn thân sẽ đi Cát Bà vào dịp 30/4, 1/5 năm nay. Thế nhưng, trước đợt nghỉ lễ khoảng chừng hai mươi ngày, Thắng gọi điện cho bạn bè, đề nghị lùi thời gian đi chơi vào tuần sau của đợt nghỉ lễ.
Thắng cho hay, đợt đó được nghỉ tới 4 ngày nhưng vợ chồng mình đã tính toán rồi, đi vào ngày đó đông lắm, chỗ ăn ở, nghỉ ngơi cũng không được thuận tiện như khi vắng khách. Nhớ lại năm ngoái, cùng cơ quan đi chơi Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vào đợt 30/4, vì thiếu phòng nên hai gia đình phải ghép chung phòng, vừa chật chội, vừa bất tiện.
"Mấy gia đình ở lại Hà Nội, tận hưởng cảm giác vắng vẻ, đi đường đỡ đông đúc, không có cảnh tắc đường. Bọn mình dự tính là sẽ tập trung ăn uống một ngày rồi đưa bọn trẻ con đi chơi, đi siêu thị. Những ngày còn lại ai ở nhà đó, dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi lấy sức để tuần sau đi chơi", Thắng chia sẻ.
Nhớ lại cái hạn năm ngoái, gia đình chị Phạm Thủy Quỳnh (Khương Trung, Thanh Xuân) lại không dám đi chơi vào ngày lễ. Chị Quỳnh kể lại: năm ngoái, hai vợ chồng cùng cậu con trai đi nghỉ ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đợt đó đi đông quá, phải kiếm mãi mới được một phòng như nhà trọ để ở. Nhưng ngay đêm đầu tiên, lúc vợ chồng mình đang ngủ thì trộm mở cửa sổ, lấy trộm hết túi xách và tiền bạc. Chưa được tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi thì vợ chồng mình đành phải về Hà Nội. Đúng là tiền mất, tật mang. Ngày nghỉ thà ở nhà cho lành. Khi nào rảnh đi vào ngày thường được hưởng dịch vụ tốt hơn.
Không có những kế hoạch đi chơi xa, mấy ngày nghỉ lễ lần này đối với Lê Hoài Thương sẽ là những ngày an dưỡng. "Bạn bè mình có chuyến đi du lịch bụi, chinh phục cực Tây Tổ quốc rồi ngắm pháo hoa ở Đà Nẵng. Nhưng mình sẽ ở lại Hà Nội. Sáng sớm lượn một vòng quanh phố phường vắng vẻ, ngồi café Cột Cờ rồi về làm những món ăn mình thích. Đợt vừa rồi làm việc nhiều quá, nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục làm việc", Thương cho hay.
Nên hay không nên đi chơi dịp suốt dịp quốc lễ dài là câu hỏi của nhiều gia đình.
Đừng dại đâm đầu bị chặt chém
Quyết định không về quê vào ngày nghỉ lễ 30/4, anh Lê Văn Tùng (Thị trấn Cổ Lễ, Nam Định) chuyển về quê vào tuần trước kỳ nghỉ. Tùng cho biết, vào dịp lễ, các xe về Nam Định thường hay tăng giá vé. Bình thường giá vé 60.000 đồng/người nhưng ngày lễ vừa phải đứng, mà toàn phải trả 80.000 - 100.000 đồng/vé.
"Đợt này về, vợ chồng mình cùng với bố mẹ và mấy anh em đưa bọn trẻ con đi biển Hải Thịnh chơi. Sáng ra đó tắm mát, ăn hải sản, tối về nhà. Bọn trẻ con sẽ được ngày vui vẻ. Tính toán qua của vợ mình, đi đợt đó rẻ hơn so với đợt 30/4 đến hai triệu đồng ấy chứ. Đồ ăn chắc chắn ngon hơn và dịch vụ cũng tốt hơn so với lúc đông khách", anh Tùng khẳng định.
Nhiều bạn sinh viên cũng tính chuyện không về quê vào dịp lễ. Đoàn Văn Hùng (sinh viên Đại học Xây dựng) đã đăng ký làm thêm trong mấy ngày nghỉ lễ. Hùng tâm sự: Đợt này em cũng chỉ được nghỉ 3 ngày nhưng về quê em đợt này đông lắm, đi lại vất vả lại tốn kém. Nếu lần này về, em sẽ mất thêm khoảng 150.000 đồng tiền chi phí phát sinh do giá vé cao, phải bắt xe ôm ra chỗ đón xe... Nhân dịp này, em và một số cậu bạn đã nhận đi tiếp thị sản phẩm cho một hãng mỹ phẩm. Làm trong vòng một tuần, mỗi ngày được hơn 100.000 đồng, vừa không mất tiền, lại được thêm tiền tiêu trong tháng.
Tính toán hơn nữa phải nói tới chị Nguyễn Ngọc Ngoan (nhân viên một ngân hàng). Ngoan cho biết, năm ngoái cơ quan cho mọi người đi nghỉ mát, đến nơi quá đông, dịch vụ kém nên mấy ngày đi chơi thành mấy ngày cực khổ, đi chơi mà như đi đày. Năm nay, Ngoan nhận từ cơ quan số tiền đi chơi, dự tính làm một bữa ăn ngon, rồi đưa cả gia đình ra ngoại ô picnic để giải tỏa căng thẳng.
"Số tiền không nhiều nhưng quan trọng là cả gia đình sẽ có một ngày vui vẻ bên nhau thay vì đi chen lấn, xô đẩy ở mấy khu vui chơi giải trí. Mà nếu có đưa người thân đi cùng, mình cũng phải đóng tiền thêm. Mình nhận tiền cơ quan cho đi nghỉ làm một bữa ăn, rồi để cả nhà ra mấy khu sinh thái nghỉ ngơi, câu cá cũng rất thú vị", Ngoan hồ hởi nói.
Châu Giang
Theo VEF