Sản xuất đình đốn, sức mua suy kiệt, doanh nghiệp phá sản... nên nguồn thu ngân sách từ thuế, phí, tiền sử dụng đất trên nhiều lĩnh vực ngành nghề bị sụt giảm mạnh.
Sản xuất đình đốn, sức mua suy kiệt, doanh nghiệp phá sản... nên nguồn thu ngân sách từ thuế, phí, tiền sử dụng đất trên nhiều lĩnh vực ngành nghề bị sụt giảm mạnh.
Tại cuộc họp báo sáng nay 5/7 của Bộ Tài chính, thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã cho biết, thu ngân sách nửa đầu năm nay đang bị thiếu hụt mạnh so với dự toán. Tính chung cả 6 tháng, tổng thu ngân sách mới đạt 346.125 tỷ đồng, chỉ đạt 46,7% dự toán, giảm tới 1,7% so với cùng kỳ năm 2011.
Riêng trong tháng 6 vừa qua, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 48.850 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 80% yêu cầu dự toán và cũng là con số thấp hơn so với tháng 5.
Trong đó, thu từ thuế giá trị gia tăng đã giảm 3.200 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm khoảng 2.300 tỷ đồng. Đây là hai khoản giảm thu do có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được giãn thời gian nộp thuế phát sinh trong tháng 5 theo gói "cứu trợ" của Chính phủ nêu tại Nghị quyết 13. Cùng đó, thu chênh lệch thu chi ngân hàng Nhà nước giảm tới 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hầu hết các lĩnh vực thu nội địa lớn đều đạt thấp so với dự toán và cùng ký. Ví dụ như thu từ lệ phí trước bạ chỉ đạt 33,2% dự toán, giảm tới 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ tiền sử dụng đất chỉ đạt 40,7% dự toán, giảm tới 42,8% so với cùng kỳ.
Một hiện tượng lo ngại khác là tình hình thu từ các địa phương cũng có chiều hướng đi xuống. Hiện, chỉ có 24 trên tổng số 63 tỉnh thành địa phương có thu nội địa đạt 48% dự toán được giao trở lên. Còn lại, 39 địa phương đều đạt thu ngân sách thấp hơn 48% dự toán, 32 địa phương thu đạt dưới 45% dự toán, trong nhóm này đều có trên các trung tâm kinh tế thương mại du lịch lớn như TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Quảng Nam...
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, mọi năm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều chiếm tới 60-80% nguồn thu thì năm nay cũng giảm rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt 63.400 tỷ đồng, bằng 41,25 dự toán, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo phân tích của bộ Tài chính, mặc dù nền kinh tế chưa bị coi là ở tình trạng trì trệ, suy giảm nhưng thu ngân sách hiện nay còn thấp hơn cả con số thu cùng kỳ năm 2009, là năm kinh tế được công bố là suy giảm. Các năm 2010-2011, thu ngân sách nửa đầu năm bao giờ cũng đạt trên 50% dự toán.
Nguyên nhân cho tình trạng thất thu trên là tăng trưởng kinh tế thấp, doanh nghiệp khó khăn do tiêu thụ giảm, tồn kho lớn. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, phá sản, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Chưa kể, một số ngành hàng vốn có đóng góp lớn cho ngân sách thì năm nay, sức tiêu thụ rất chậm do sức mua giảm, cũng làm giảm thu. Ví dụ như ngành ô tô, sản lượng bán hàng 5 tháng đầu năm đã giảm tới 40% so với cùng kỳ 2011.
Trong 6 tháng qua, việc xuất nhập khẩu một số mặt hàng có mức thuế cao cũng giảm mạnh nên ảnh hưởng thu ngân sách. Ví dụ xăng dầu nhập khẩu giảm 21% về lượng, giảm 13% về giá trị đã làm giảm thu ngân sách tới 1.207 tỷ đồng. Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 60% về lượng, giảm 54,9% về trị giá làm giảm thu ngân sách khoảng 12.295 tỷ đồng. Linh kiện ô tô nhập khẩu giảm 20% về trị giá, cũng làm giảm thu ngân sách tới 1.500 tỷ đồng. Xe máy nguyên chiếc giảm 52,5% về lượng, giảm 44,4% về trị giá nên đã giảm thu ngân sách tới 531 tỷ đồng.
Theo thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đây cũng là năm đầu tiên trong 5 năm qua, thu ngân sách nửa đầu năm đạt thấp như vậy. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới chi ngân sách. Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn cố gắng tích cực đảm bảo số thu, tỷ lệ bội chi vẫn đảm bảo dưới 4,8% GDP.
Phạm Huyền
Theo Vietnamnet