Nợ chồng chất khiến các doanh nghiệp tìm cách cơ cấu lại nợ, khoanh nợ và kể cả biện pháp kỹ thuật chuyển nợ thành vốn góp.
Nợ chồng chất khiến các doanh nghiệp tìm cách cơ cấu lại nợ, khoanh nợ và kể cả biện pháp kỹ thuật chuyển nợ thành vốn góp.
Câu chuyện của Bianfishco
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 4/2012, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng xấp xỉ 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28,18 nghìn tỷ đồng (35%), bình quân tăng 8,6%/tháng, cao hơn so với mức bình quân cùng kỳ năm trước. Nợ trở thành gánh nặng với những doanh nghiệp mất cân đối tài chính nghiêm trọng khi hệ số nợ gấp 4-5 lần vốn chủ sở hữu. Không chỉ riêng các doanh nghiệp nhà nước đang phải vất vả xoay sở với nghĩa vụ nợ lên tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng (số liệu 2011) mà các doanh nghiệp tư nhân cũng vậy. Vì thế, cơ cấu và bán lại nợ, chuyển nợ thành vốn góp hiện đang không còn là chuyện của riêng ai nữa.
CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) phải sống "bất an" trong vòng 6 tháng qua do các khoản nợ khổng lồ, không vốn lưu động, hoạt động kinh doanh đình trệ. Theo thông cáo mới nhất của Tổng giám đốc Bianfishco, tổng dư nợ các tổ chức tín dụng của doanh nghiệp này là 988 tỷ đồng, nợ các doanh nghiệp là 78 tỷ đồng và nợ các hộ dân nuôi cá là 235 tỷ đồng. Tài sản phục vụ cho việc thanh toán nợ của Bianfishco nằm ở tài sản cố định (nhà xưởng, máy móc) và hàng tồn kho. Do vậy, để tái cơ cấu nợ vay và tạo nguồn vốn lưu động, công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển đổi nợ vay thành vốn chủ sở hữu. Bianfishco sẽ bán lại 49% cổ phần tại Công ty sản xuất Collagen với tổng giá trị 70 tỷ đồng. Thêm vào đó, Viện Nghiên cứu Thủy sản được công ty đầu tư 77 tỷ đồng sẽ được chuyển giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hướng giải quyết này tỏ ra khá tích cực đối với doanh nghiệp, ở chỗ doanh nghiệp không bị siết nợ đến mức phải tuyên bố phá sản; giảm bớt nghĩa vụ trả nợ và tái cấu trúc tài chính một cách tổng thể. Tuy nhiên, đứng trên góc độ chủ nợ, hướng xử lý hoàn toàn trái ngược về động cơ và lợi ích. Biện pháp này mang nhiều tính thủ thuật để thu hồi nợ khi mà các "con nợ" rơi vào bước đường cùng. Xét cho cùng, kỹ thuật này chỉ che chắn cho các NHTM thoát được việc trích lập dự phòng khoản nợ mất khả năng thanh toán. Xét về lâu dài, các khoản nợ được vốn hóa này vẫn có khả năng mất đi nếu doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, phá sản...
Do vậy, nếu thiếu vắng sự can thiệp của các cổ đông mới trong doanh nghiệp nhằm tái cấu trúc, tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành thì việc chuyển đổi nợ thành vốn góp không có ý nghĩa và hiệu quả tài chính lâu dài.
Nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 35% tính đến hết tháng 4/2012, cao hơn cùng kỳ năm trước
Quay trở lại với Bianfishco, sau khi cơ cấu nợ vay, công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ lên 1.200 tỷ với cơ cấu cổ đông mới (như bảng bên). Theo ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), việc mua nợ của Bình An gắn chặt với hoạt động của nhà máy thủy sản và thương hiệu Bình An. Nếu Bình An cố gắng tập trung vào ngành nghề cốt lõi, ổn định sản xuất, khả năng thu hồi vốn là có thể. Rõ ràng, điều kiện quan trọng để các chủ nợ chấp nhận chuyển đổi nợ thành vốn góp là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp để có thể sinh lời trên vốn mới.
Khéo chuyển nợ thành vốn góp!
Câu chuyện của Bình An đang mở ra cơ hội mới đối với các công ty mua bán nợ có tiềm lực tài chính và có "nghề" tái cấu trúc doanh nghiệp như DATC, chứ không đơn thuần là những công ty đi mua bán nợ. Thành lập từ năm 2003, DATC lãnh sứ mệnh mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Mục tiêu của DATC là các DNNN không thể cổ phần hóa do thua lỗ, nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, giúp các doanh nghiệp này tái cấu trúc tài chính, có đủ vốn để tiếp tục hoạt động, chuyển đổi sở hữu thông qua chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp.
Yếu tố "nghề" của DATC phản ánh qua các tiêu chí lựa chọn đối tác mua nợ: tiềm năng phát triển, hiệu quả sau khi cơ cấu lại nếu giải quyết được những khó khăn tạm thời; mức độ hợp tác của doanh nghiệp khi áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp. Sau đó DATC xúc tiến tìm kiếm đối tác thích hợp để tiếp quản doanh nghiệp sau thời kỳ khó khăn. Khác với tổ chức cho vay trở thành các cổ đông thông thường sau khi chuyển nợ thành vốn góp, vai trò của các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp như DATC giống như nhà tư vấn, điều hành doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn và tìm kiếm đối tác chiến lược thay thế.
Bên cạnh đó, DATC tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư góp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật - quản lý nhằm cơ cấu lại tổ chức bộ máy điều hành. Hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả sau khi được chuyển đổi sở hữu sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn trả nợ các chủ nợ NHTM. Sự lột xác của các doanh nghiệp mà DATC tham gia tái cơ cấu nợ có thể thấy rõ qua trường hợp tiêu biểu của Sadico Cần Thơ hay Mía đường Kon Tum.
Sadico Cần Thơ (SDG: HNX) có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, từng là doanh nghiệp mạnh về sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng tại Cần Thơ. Do đầu tư dồn hết vào nhà máy sản xuất bao bì PP2, SDG rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng nề, mất khả năng thanh toán nợ, được DATC xử lý tài chính và nắm giữ 50% cổ phần từ tháng 6/2007. Ngay cuối năm 2007, đơn vị này đã có lãi 9 tỷ đồng nhờ các biện pháp cải tiến quản lý như: tinh giảm nhân sự, quản lý sản xuất theo định mức, tiết kiệm tối đa. Sau 4 năm tái cấu trúc, hoạt đông kinh doanh của SDG đã khôi phục hoàn toàn và tăng trưởng trở lại. Lợi nhuận trước thuế năm 2011 là 31 tỷ đồng, chia cổ tức tiền mặt 30% cho cổ đông.
Hiện nay DATC vẫn đang nắm giữ 48,45% cổ phần tại SDG sau khi thoái bớt 2,55% trong năm 2011. Việc thoái vốn khỏi SDG chỉ là yếu tố thời gian, đủ để DATC thu hồi khoản tiền đầu tư và tìm kiếm đối tác đầu tư tiềm năng. Yếu tố thành công trong việc tái cơ cấu nợ phải đi kèm với tái cấu trúc doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh doanh phù hợp.
Tương tự như SDG, Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum (KTS: HNX) là DNNN trực thuộc UBND tỉnh Kontum đã từng làm ăn không hiệu quả. Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, KTS được tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu từ tháng 7/2008. Sau 6 tháng, KTS đã bắt đầu có lãi 5,4 tỷ đồng. Sau khi DATC tái cấu trúc nợ và chuyển đổi sở hữu, tình hình tài chính của KTS có sự cải thiện đáng kể về chất và lượng. Năm 2011, KTS trả mức cổ tức tiền mặt lên đến 30%, đồng thời là cổ phiếu có tỷ lệ thu nhập trên cổ phiếu (EPS) trên 10.000 đồng/cổ phiếu. Với 66% cổ phần, DATC hiện đang dần thoái vốn khỏi KTS
Tổng quan lại, chuyển nợ thành vốn góp chỉ là biện pháp kỹ thuật mang tính tạm thời đối với doanh nghiệp và chủ nợ. Để đạt hiệu quả cho cả hai bên, nhất thiết phải đi kèm với biện pháp tái cấu trúc, quản lý và định hướng phát triển doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của cổ đông mới.
Để tái cơ cấu nợ vay và tạo nguồn vốn lưu động, Bianfishco không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển đổi nợ vay thành vốn chủ sở hữu. Công ty sẽ bán lại 49% cổ phần tại Công ty sản xuất Collagen với tổng giá trị 70 tỷ đồng. Thêm vào đó, Viện Nghiên cứu Thủy sản được công ty đầu tư 77 tỷ đồng sẽ được chuyển giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo DĐDN