Nếu di dời bất ngờ như Sư đoàn 372 (Đà Nẵng) yêu cầu, thiệt hại của các doanh nghiệp tư nhân có thể từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, thậm chí phá sản. Vì vậy, các công ty đều chưa ký vào văn bản thanh lý hợp đồng thuê đất và đang kiến nghị được giãn lộ trình thực hiện di dời.
Các doanh nghiệp thuê đất quốc phòng của Sư đoàn 372 đều chưa ký vào văn bản thanh lý hợp đồng thuê đất và đang kiến nghị được giãn lộ trình thực hiện di dời. (Ảnh: Pháp luật TP HCM)
Mới đây, hơn 10 doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã ký đơn kiến nghị tập thể, cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân... về việc bị buộc phải thanh lý hợp đồng thuê đất quốc phòng của Sư đoàn 372 tại vành đai phía Tây sân bay Đà Nẵng.
Trong buổi làm việc vào ngày 27/9, Sư đoàn 372 khẳng định sẽ thanh lý hợp đồng với các doanh nghiệp theo quyết định của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải ký văn bản thanh lý hợp đồng thuê đất trong ngày 27 và 28/9; còn từ ngày 29/9 đến ngày 6/10 doanh nghiệp phải hoàn thành việc tháo dỡ, di dời tài sản, nhà xưởng và bàn giao đất cho Sư đoàn 372.
Tuy nhiên đến nay, đại diện nhiều doanh nghiệp vẫn cho biết họ chưa dám ký vào văn bản thanh lý hợp đồng nói trên bởi việc di dời toàn bộ tài sản trong khoảng thời gian chưa đầy 10 ngày là không khả thi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Khải - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H cho biết: “Thông tin Sư đoàn 372 muốn thanh lý hợp đồng thuê đất với chúng tôi đến bất ngờ quá, như sao trên trời rơi xuống vậy, chúng tôi không thể chủ động được. Diện tích đất thuê cùng tài sản quá lớn nên việc di dời không thể dễ dàng thực hiện ngay chỉ trong chưa đến 10 ngày như vậy”.
Tuy không thể tính được thiệt hại cụ thể ra con số trong ngày một ngày hai, nhưng ông Khải cũng chỉ ra những hệ lụy nhìn thấy được ngay. "Công ty chúng tôi có 5.000 - 7.000 lao động, giờ mà di đời đột ngột thì buộc phải cắt giảm biên chế, nhiều người lao động sẽ bị mất việc làm trong giai đoạn Tết sắp đến này. Ngoài ra, các thiết bị máy móc cũng nặng từ 5.000 - 7.000 tấn, muốn di chuyển chúng thì cũng phải xin giấy phép, di dời máy móc tốn rất nhiều tiền, chưa kể trong thời gian chưa di chuyển ngay có thể bị các thành phần xấu lợi dụng để “hôi của”.
Ông Khải nói thêm, khi thuê đất doanh nghiệp phải thực hiện san lấp mặt bằng rồi mới xây dựng trên đất, công tác này rất tốn kém, mà công ty mới đi vào sản xuất được hai năm nên chưa khấu hao hết phần kinh phí này (mới được khoảng 10%); thanh lý hợp đồng thuê đất thì nhà xưởng cũng phải bỏ hết; hợp đồng với đối tác chắc chắn sẽ bị trễ...
Mặc dù chỉ thuê phần diện tích không quá lớn (gần 3.000 m2 đất) và thời gian thuê mới được hai năm nhưng công ty Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H khẳng định tuy là doanh nghiệp tư nhân nhưng ngoài màu áo thì họ cũng không khác gì với một doanh nghiệp thuộc Sư đoàn: đã tạo được công ăn việc làm cho con em trong Sư đoàn, trực tiếp thăm hỏi và trích quỹ động viên các chiến sỹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Nhưng nay khi sự việc xảy ra thì chưa có cơ quan chức năng nào hồi đáp những kiến nghị của doanh nghiệp. “Từ khi có thông tin Sư đoàn 372 muốn thanh lý hợp đồng thuê đất, chủ doanh nghiệp chúng tôi không ai ăn ngủ được hết, có người xỉu lên xỉu xuống, riêng tôi giảm đến 7 kg trong chưa đầy một tuần nay...”, ông Khải - người đàn ông “bản lĩnh” từng phải rơi nước mắt trong cuộc họp ngày 27/9 vừa qua chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Quản lý Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đình Hùng kiến nghị Sư đoàn 372 xem xét việc giãn lộ trình thực hiện việc di dời tài sản cho doanh nghiệp thuê đất đến khoảng 3 - 5 tháng, khi đó nếu doanh nghiệp vẫn không chịu di dời thì mới cưỡng chế thu tài sản.
Bà Tâm nhận định: “Bình thường hộ gia đình dọn nhà cũng phải mất đến 10 ngày tới nửa tháng, vậy mà doanh nghiệp chúng tôi với rất nhiều máy móc, thiết bị... lại bị yêu cầu dọn đi trong chưa đầy 10 ngày. Nếu Sư đoàn cứ ép doanh nghiệp phải thực hiện thì chắc chắn nhiều đơn vị sẽ phá sản bởi không thể giữ được tài sản của mình”.
Công ty Đình Hùng thuê gần 30.000 m2 đất bắt đầu từ những năm 2013 - 2014, hợp đồng gia hạn gần nhất mà công ty ký với Sư đoàn 372 có giá trị 3 năm, nhưng mới thực hiện được hơn một năm thì bất ngờ xuất hiện yêu cầu thanh lý hợp đồng này. Khi hai bên ký thỏa thuận thuê đất trong 3 năm, doanh nghiệp cũng có tính toán để thu hồi vốn trong khoảng thời gian phù hợp, nhưng nay hợp đồng chấn dứt bất ngờ như vậy thì thiệt hại có khi lên đến hàng chục tỷ đồng, bà Tâm nói.
Quản lý của công ty Đình Hùng cũng nói: "Chính phủ luôn nói tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng thực tế thì sao? Chúng tôi đang phải chịu những gì?".
Còn bà Lê Thị Thanh Thủy, chủ doanh nghiệp tư nhân Thủy Thành thì nêu quan điểm: “Nội dung hợp đồng thuê đất có nói sẽ thu hồi đất trong trường hợp địch họa, thiên tai hoặc Sư đoàn cần đất để sử dụng cho mục đích quốc phòng. Tuy nhiên, Sư đoàn 372 hiện không nêu lý do thu hồi đất để làm gì, mà dù có thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng thì cũng không cần trong thời gian gấp gáp như vậy”.
Doanh nghiệp Thủy Thành thuê gần 4.700 m2 đất từ những năm 2007 để kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống. Số vốn đơn vị này bỏ ra là 10 tỷ đồng, vì tái đầu tư liên tục nên số tiền thu về mới được khoảng 5 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân này có khả năng sẽ mất 5 tỷ đồng nếu bây giờ bị thu hồi đất đột ngột.
“Chúng tôi thuê đất và luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, nộp thuế cho nhà nước... Hiện Việt Nam có đến hơn 9.000 doanh nghiệp đang thuê đất quốc phòng, nếu chỉ bất ngờ thu hồi đất của chúng tôi thì đó là sự đối cử bất công cho doanh nghiệp”, bà Thủy ấm ức bày tỏ.
Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz