Sự phổ biến của các dòng máy di động trở thành công cụ marketing đầy tiềm năng, nhưng dường như doanh nghiệp Việt vẫn chưa mảy may quan tâm đến phương thức mới này.
Sự phổ biến của các dòng máy di động trở thành công cụ marketing đầy tiềm năng, nhưng dường như doanh nghiệp Việt vẫn chưa mảy may quan tâm đến phương thức mới này.
Tiềm năng chưa được khai thác
Đã gần 5 năm kể từ khi HĐH Android và iOS lấn sân thiết bị di động, mở màn trào lưu smartphone xâm chiếm mọi phân khúc điện thoại. Cùng với sự hưng thịnh của các dòng máy tích hợp HĐH, một cơ hội và sân chơi mới đã được mở ra cho các doanh nghiệp.
Đơn cử như gã khổng lồ Amazon, ứng dụng shopping của hãng hiện nay trên các nền smartphone đã đạt mức hàng trăm ngàn lượt tải với những giao dịch thường xuyên, phục vụ cho thương mại điện tử hoặc thậm chí là chăm sóc khách hàng.
Việc xây dựng các phần mềm máy trạm (client) trên các dòng máy smartphone được xem là một hướng đi mới khi mà doanh nghiệp có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của mình, từ đó thực hiện các chính sách kinh doanh một cách linh hoạt và trúng đích.
Vậy nhưng, trên thực tế thì tại Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào nhận thấy tiềm năng này cũng như tìm được lời giải chính xác để ứng dụng vào mô hình kinh doanh của mình.
Anh Trương Mạnh Lâm, giám đốc một đơn vị đào tạo kỹ năng marketing cho biết: "Với các phương thức marketing cổ điển như hiện nay, người dùng sẽ rất khó để lưu lại trí nhớ về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ bởi nó không có tính gắn kết hay để lại ấn tượng sâu. Trong khi đó, mỗi người dùng đều sở hữu một chiếc di động smartphone thì tại sao không biến nó trở thành kênh marketing hiệu quả?".
Lấy ví dụ đơn giản, một thương hiệu thời trang có thể cung cấp một ứng dụng miễn phí cho iPhone, với những tính năng như mua hàng, giới thiệu sản phẩm hệt như một gian hàng ảo. Song song với đó, các tính năng tương tác ảo (augmented reality) như ghép hình sẽ giúp người dùng tự ghép mình vào với các mẫu quần áo hiện có để tiện hình dung, từ đó chọn lựa mặt hàng ưng ý. Hoặc đó cũng có thể là bộ chuyển đổi kích thước với các chuẩn số đo của Âu, Mỹ, Hàn..., chỉ là tiện ích nhỏ nhưng giúp người dùng biết mình vừa với size nào...
Không thiếu các mô hình ý tưởng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dám nghĩ và dám làm, nhất là khi tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nhu yếu phẩm thường lại có chỉ số khá thấp về ứng dụng công nghệ.
Anh Thanh Hải, giám đốc công ty xuất khẩu phần mềm tại Q.1, TP.HCM chia sẻ: "Thời gian gần đây chúng tôi hay nhận được các đơn đặt hàng từ một vài thương hiệu của nước ngoài về việc gia công các phần mềm tương tác trên di động. Đa số chúng là các client tương tác phục vụ việc marketing, bán hàng với các chức năng rất cơ bản nhưng tiện dụng đối với người dùng cuối".
Trao đổi với một chuyên gia ứng dụng công nghệ hiện đang công tác tại Nhật, anh cho biết: "Viết ứng dụng smartphone thì có vẻ vẫn mới mẻ và khó nhằn với doanh nghiệp Việt. Nhưng nhiều thứ có sẵn trên di động để làm marketing thì cũng đâu đã khai thác hết".
Chuyên gia này đưa ra ví dụ về các hình thức kích cầu mua sắm được áp dụng tại Nhật Bản như việc khách hàng khi bước vào một trung tâm mua sắm với những di động hỗ trợ Bluetooth sẽ được gửi ngay các tin nhắn về chương trình khuyến mại, thậm chí là cả các mã giảm giá tại một số shop chỉ áp dụng cho ai nhận được code qua di động.
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa nhận thấy rõ tiềm năng của việc marketing
công nghệ cao.
Nói đơn giản, làm gian nan
Trên thực tế, việc lập trình và phát triển các hệ thống marketing nền di động đối với trình độ các lập trình viên Việt Nam không phải là khó. Quan trọng là khách hàng phải có yêu cầu, mô tả cụ thể cũng như chấp nhận các phương án giá mà đội lập trình đưa ra.
Tuy nhiên, chính vì việc đánh giá thấp các kênh marketing kiểu mới này cũng như tư duy còn đè nặng việc marketing trên các kênh này phải là miễn phí hoặc với chi phí thấp là rào cản lớn đối với việc phát triển kênh tương tác này tới khách hàng.
Anh Thanh Hải cho biết: "Đã có một thương hiệu thời trang tìm đến và đặt vấn đề với chúng tôi về việc xây dựng phần mềm bán hàng, tương tác khách hàng trên điện thoại Android. Tuy nhiên khi đưa ra mức giá hơn 10.000 USD cùng chi phí bảo trì, nâng cấp cho 2 năm thì vị giám đốc thương hiệu lặn không sủi tăm".
Với đơn giá khoảng 200 triệu cho một phần mềm ứng dụng di động, đó không phải là mức giá quá cao, bởi chi phí thiết kế website cùng bộ quản trị nội dung cũng đã tương đương mức này.
Quan trọng là người Việt vẫn chưa đánh giá được hết tiềm năng trên di động cũng như định hình được rằng công cụ marketing trên các tập khách hàng này là công cụ trúng đích và hiệu quả cũng như chi phí so ra là rất thấp.
Rõ ràng, so với các cách marketing truyền thống như TVC, tờ rơi, banner, băng-rôn hay đặt các quảng cáo báo giấy... thì việc truyền thông bằng ứng dụng là một cách làm mới mẻ và doanh nghiệp Việt vẫn còn khá rón rén.
Hãy cứ nhìn vào các doanh nghiệp nước ngoài như Amazon, hay thậm chí là Mazda với tầm nhìn rộng, đánh giá đúng tập khách hàng và xu hướng tiêu dùng, ta sẽ thấy nhãn tiền là các ông lớn này đều sử dụng kênh marketing di động một cách khôn khéo.
"Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn làm marketing khá manh mún, truyền thông kiểu nửa vời nên việc định hướng họ theo một phương thức mới là rất mất thời gian, nhiêu khê. Tuy nhiên, nếu sớm thức tỉnh và nhận ra vấn đề thì rõ ràng cơ hội để phát triển kênh truyền thông trên các công cụ di động là một cánh cửa rất mới mẻ và đầy tiềm năng", một chuyên gia công nghệ nhận xét.
Võ Trung
Theo VietNamnet