Sự kiện hot
12 năm trước

Doanh nghiệp cá tra đang... hại nhau

Cá tra Việt Nam (VN) không có được giá trị cao mặc dù là ngành độc quyền của VN. Bởi tình trạng tranh mua tranh bán, phá giá lẫn nhau giữa các doanh nghiệp (DN) VN đã tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu kiếm lợi.

Cá tra Việt Nam (VN) không có được giá trị cao mặc dù là ngành độc quyền của VN. Bởi tình trạng tranh mua tranh bán, phá giá lẫn nhau giữa các doanh nghiệp (DN) VN đã tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu kiếm lợi.

Mua 3 bán 10

Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), từ đầu năm đến nay, VN xuất khẩu cá tra với mức giá trung bình từ 2,5 - 3 USD/kg tùy thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu phải mua cá tra VN với mức giá… 10 USD/kg. Phần chênh lệch lớn giữa bán và mua đều rơi vào tay các nhà nhập khẩu.


Sản phẩm cá tra Việt Nam đang được xuất khẩu với giá rẻ, thấp hơn giá trị thực.

Đặc biệt những tháng cuối năm, trước áp lực đến hạn trả nợ ngân hàng, nhiều DN đã bán đổ bán tháo cá ra với giá rẻ bèo, phẩm cấp chất lượng kém, hòng mong vớt vát được đồng nào hay đồng nấy. Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty XNK Agifish, cho biết giá cá tra tại thị trường cao giá nhất là Mỹ cũng đang bị "đại hạ giá" còn có 3 USD/kg, thậm chí có công ty còn bán với giá 2,7 - 2,8 USD/kg, trong khi hồi đầu năm còn được hơn 4 USD/kg.

Tại các thị trường khác, VASEP đã từng đưa ra khuyến cáo giá cá tra xuất khẩu phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi. Song trên thực tế, lúc thị trường ổn định, DN cũng chỉ bán được với giá 2,5 USD/kg, còn hiện đang chào giá bán 1,8 - 2,3 USD/kg. Hậu quả DN đang bán lỗ 0,2 - 0,7 USD/kg cá kéo theo giá cá nguyên liệu cũng giảm.

Xấu hình ảnh con cá tra

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, cho biết tại thị trường Mỹ, giá cá tra VN giảm hơn 20%; nhiều nước châu Âu, Trung Đông, Ai Cập... cũng giảm đáng kể. Các DN tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều, kể cả DN thương mại. Hằng năm, khu vực Trung Đông nhập khoảng 80.000 tấn cá tra VN từ 50 DN nhưng năm nay có tới 100 DN nhảy vào thị trường này, cạnh tranh nhau và đẩy giá xuống liên tục.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản sớm xây dựng thông tư quy định về hàm lượng mạ băng, các chất phụ gia tăng trọng..., nhằm chống tình trạng gian lận, phá giá. Bộ trưởng cũng kêu gọi ngành ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay vốn để các DN nhanh chóng ổn định sản xuất.

Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP cũng nêu thực trạng, hiện chỉ có khoảng 70 đơn vị có nhà máy chế biến cá tra, nhưng có đến 400 công ty xuất khẩu sản phẩm cá tra. Một số DN cá tra không có nhà máy chế biến chớp nhoáng thành lập làm "nhiễu" thị trường bằng cách chào hàng cạnh tranh bằng giá thấp. Thiếu vốn, nhiều DN tìm mọi cách đẩy cá đi cho dù sản phẩm đạt chất lượng không cao, thậm chí tăng tỷ lệ mạ băng lên đến 30 - 40%.

Đây là một thực trạng mà Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng nhìn nhận. Ông cho rằng công tác tổ chức xuất khẩu chưa tốt, từng DN rất năng động và giỏi, nhưng do cạnh tranh lẫn nhau đã đẩy giá xuất khẩu xuống. Trên cơ sở đó, các nhà nhập khẩu càng ép giá sản phẩm của chúng ta hơn.

Ngọc Minh
theo Dân Việt

Từ khóa: