Với kim ngạch xuất khẩu 1,7-1,8 tỉ USD/năm nhưng các doanh nghiệp cá tra chỉ biết cạnh tranh đến chết mà không chịu ngồi lại để giải quyết những vấn đề chung.
Tại hội nghị thường niên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra ngày 28-8 ở TP HCM, những vấn đề nội tại của ngành cá tra được đánh giá là nguyên nhân gốc rễ gây ra những khó khăn tại thị trường châu Âu (EU), Mỹ hiện nay. Ngành cá tra cần khởi nghiệp lại từ những vấn đề căn bản trước khi tính chuyện xây dựng thương hiệu.
Không đồng lòng
Hội nghị vắng mặt "đại gia cá tra", ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương, Phó Chủ tịch VASEP, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (chủ yếu là cá tra) - ở vai trò điều hành nhưng không nêu lý do. Trong báo cáo, VASEP nêu khó khăn trong hoạt động thời gian qua là "các cuộc họp của Ủy ban Cá nước ngọt đều không có chủ tịch (ông Minh - PV) tham gia và đề xuất ý kiến giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng". Ngay cả Văn phòng VASEP, khi có vấn đề của ngành hàng cần liên hệ chủ tịch cũng không dễ và không nhận được hưởng ứng tích cực từ chủ tịch, dẫn đến DN mất niềm tin.
Do tự cạnh tranh nhau, ngành cá tra đang mất dần thị trường Mỹ, châu Âu Ảnh: Ngọc Trinh
Tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, được giới thiệu là chủ tịch mới của Ủy ban Cá nước ngọt. Bà Khanh đã chia sẻ câu chuyện của ngành cá tra và basa trong 30 năm qua, từ khi được thí điểm xuất khẩu vào năm 1987 tại một nhà máy chế biến ở TP HCM.
"Sau thời gian thí điểm, tôi nhớ năm 1989, tại An Giang, khi ấy nhà máy rất lạc hậu nhưng khách hàng nhận lô hàng đầu tiên đánh giá đây là lô cá thịt trắng tốt nhất thế giới họ nhận được. Thế nhưng, sau thời gian phát triển nóng liên tục, cá tra từ chỗ có thiện cảm trở thành tiếng xấu, liên tục gặp rào cản. Có thể nói những rào cản của cá tra không phải mới đây, các đối thủ họ đã chuẩn bị chiến lược bài bản, có nghiên cứu kỹ cả 10 năm nay nhưng Việt Nam lại ứng phó theo từng thời điểm, không liên tục và yếu ớt. Tôi vừa có chuyến công tác Tây Ban Nha (nơi bị tấn công bởi truyền thông bôi nhọ cá tra đầu năm 2017 - PV), doanh số bị sụt 67%, ngay người bán còn "lợn cợn", không tự tin khi bán cá tra thì làm sao người tiêu dùng tin được" - bà Khanh nêu thực tế.
Theo bà Khanh, gốc của vấn đề là ở chính mình, từ rào cản truyền thông nội bộ, sự gắn kết của cộng đồng DN, nhà nước. Đã đến lúc DN phải nói không với những đơn hàng dưới chuẩn, mạ băng, tăng trọng nhiều để định vị lại mình.
Sau 30 năm, ngành cá tra đang khởi nghiệp lại từ những điều căn bản, sau đó mới bắt đầu xây dựng thương hiệu. Phải chứng minh cho khách hàng thấy cá tra Việt Nam sạch bằng thực tế, không phải bằng các chứng nhận để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Đối với nghiên cứu khoa học của các viện, trường về ngành hàng cá tra, trước khi công bố cần có ý kiến phản biện của đại diện ngành hàng, tránh trường hợp nước ngoài lấy thông tin không chính xác bêu xấu cá tra.
Hiện VASEP đang thực hiện các chiến dịch quảng bá cá tra tại thị trường EU nhằm củng cố niềm tin người tiêu dùng, trong đó có mời báo chí Tây Ban Nha đến Việt Nam tìm hiểu thực tế. Ngoài ra, còn chú trọng quảng bá qua mạng xã hội, kể cả báo chí trong nước vì báo chí nước ngoài thường xuyên tổng hợp từ nguồn này.
Bài học cá hồi Na Uy
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự của VASEP, cho biết đã tham quan và học tập mô hình thành công của cá hồi Na Uy từ rất sớm nhưng tiếc là đã không thuyết phục được Chính phủ trong việc lập quỹ ngành hàng. Bà Minh nhìn nhận nguồn cơn để cá tra gặp thị phi chính là việc các DN cạnh tranh giá rẻ, giảm giá đến mức không thể giảm được nữa thì ăn gian chất lượng. Các DN cá tra làm ăn bậy bạ vẫn còn và không hợp tác với nhau.
Theo bà Minh, để xây dựng thương hiệu cá tra cần tập trung cho phân khúc cao cấp, khi DN làm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được mang thương hiệu chung và tập trung quảng bá.
Về cá hồi Na Uy, bà Trương Thị Lệ Khanh nhận xét họ đang phát triển rất lành mạnh, bền vững. DN cá tra Việt Nam không cần tiền, chỉ cần cơ chế và thái độ rõ ràng của nhà nước trong việc cho phép DN làm gì và không được làm gì để vận hành được quỹ phát triển thị trường sao cho không bị kẹt vào thế bị kiện "chống trợ cấp".
"Cá hồi đang duy trì sản lượng 1 triệu tấn, giá thành 3,5 USD/kg nhưng giá bán nguyên liệu lên tới 6-7 USD/kg. Có những thời điểm, các DN cá hồi đồng lòng thả cá giống ra sông, ra biển để giảm sản lượng" - bà Khanh nói.
Phát triển chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám thừa nhận ngành cá tra đang căng mình đối phó với chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ.
Ông Tám kêu gọi các DN đoàn kết, đồng thuận với nhau để giải quyết vấn đề vì thời gian qua "hình như" các DN lớn chưa ngồi lại được với nhau.
Thị trường cao cấp giảm
Theo VASEP, phía Việt Nam đã đề nghị Mỹ dời thời gian áp dụng điều kiện tương đương đến ngày 1-8-2018 để DN Việt có thêm thời gian hoàn thiện nhưng không được chấp nhận. Thông tin mới nhất Mỹ chỉ chấp nhận lùi đến ngày 1-3-2018. Do vậy, dự báo nửa cuối năm 2017, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 10%-15%; EU giảm 5%. Tuy nhiên, dự báo tổng xuất khẩu cá tra năm 2017 có khả năng đạt 1,78 tỉ USD, tăng trưởng 4% nhờ vào các thị trường Trung Quốc và Brazil (tăng 50%-60%), Mexico (tăng 26%).
Ngọc Ánh
Theo Người lao động