Doanh nghiệp game trong nước bị giới hạn về nội dung, giờ chơi trong khi doanh nghiệp ngoại thì không, hay doanh nghiệp mạng xã hội trong nước bị thanh, kiểm tra thì mạng xã hội nước ngoài lại không…, là những dẫn chứng mà một số doanh nghiệp Internet đưa ra khi cho rằng Dự thảo Nghị định 97 mới quá ưu ái doanh nghiệp nước ngoài, không tạo được sự công bằng với doanh nghiệp nội.
Doanh nghiệp game trong nước bị giới hạn về nội dung, giờ chơi trong khi doanh nghiệp ngoại thì không, hay doanh nghiệp mạng xã hội trong nước bị thanh, kiểm tra thì mạng xã hội nước ngoài lại không…, là những dẫn chứng mà một số doanh nghiệp Internet đưa ra khi cho rằng Dự thảo Nghị định 97 mới quá ưu ái doanh nghiệp nước ngoài, không tạo được sự công bằng với doanh nghiệp nội.
Dự thảo Nghị định 97 mới về quản lý Internet vẫn "loay hoay" việc tạo công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Ảnh: Internet
Xây dựng Nghị định mới để đáp ứng thực tiễn phát triển Internet
Ngày 28/8/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet với 6 chương và 26 điều quy định cụ thể đối với chính sách quản lý nhà nước phát triển Internet.
Sau gần 4 năm thực hiện, Nghị định 97 đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay. Vì vậy, việc bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chế tài nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của Internet là việc làm cần thiết. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã soạn thảo Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng (Nghị định 97 mới) thay thế cho Nghị định 97 cũ để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2012.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho biết, so với Nghị định 97 cũ, Dự thảo Nghị định 97 mới đã nêu rõ được những mực tiêu quan trọng bao gồm việc phát triển Internet băng rộng và ứng dụng Internet vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học cũng như việc phát triển ứng dụng Internet cho người Việt. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định mới cũng đã có những quy định chặt chẽ để quản lý và ngăn chặn các tác động xấu của Internet và khuyến khích phát triển tên miền ".vn", địa chỉ IPv6. "Việc hợp tác quốc tế cũng đã dựa trên cơ sở chủ quyền Việt Nam", ông Minh cho biết thêm.
Còn theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Giám đốc công ty VOG, đơn vị vận hành mạng xã hội phụ nữ PhunuNet, nhìn chung Dự thảo Nghị định mới thể hiện sự công phu và tỉ mỉ của cơ quan soạn thảo sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp. VOG đánh giá cao tư duy quản lý cởi mở và thân thiện của Nghị định đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin theo tinh thần tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Nghị định ưu ái doanh nghiệp nước ngoài?
Mặc dù vậy, theo ông Minh, Dự thảo Nghị định mới vẫn có nhiều điểm chưa rõ ràng và chưa tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại, như quá tập trung vào quản lý doanh nghiệp trong nước phần nội dung và dịch vụ. "Nghị định cũng chưa thể hiện rõ chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển Internet ở vùng sâu, vùng xa và ứng dụng Việt, cùng với đó là những chính sách thu hút nhiều người sử dụng Internet".
Quản chặt doanh nghiệp nội nhưng theo đại diện một số doanh nghiệp Internet, Nghị định lại quá ưu ái doanh nghiệp nước ngoài, không tạo được sự công bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại, thể hiện ở việc đã giảm mức độ nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 24 của Dự thảo). Theo bản Dự thảo Nghị định ngày 6/4, doanh nghiệp nước ngoài có nghĩa vụ buộc phải có văn phòng đại diện hoặc tư cách pháp nhân tại Việt Nam và đặt máy chủ tại Việt Nam, hay phải cam kết bằng văn bản xóa thông tin vi phạm và bảo đảm người sử dụng tại Việt Nam không truy cập, sử dụng những thông tin này. Sau 3 lần sửa đổi, đến đầu tháng 5, những nghĩa vụ quy định với doanh nghiệp nước ngoài này đã không còn và được thay bằng những nghĩa vụ ở mức độ nhẹ hơn như thành lập văn phòng hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam, phối hợp xóa thông tin vi phạm và cung cấp thông tin người dùng khi cơ quan điều tra yêu cầu.
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lo ngại rằng, nếu quy định quá chặt chẽ thì sẽ có khả năng doanh nghiệp nước ngoài thấy phức tạp quá và quyết định đóng dịch vụ tại Việt Nam. Khi đó, đối tượng người dùng trong nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh, người sử dụng khi cần dịch vụ thì chất lượng không tốt bằng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, theo ông Hưng, các trang web, tổ chức/doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người Việt khi lớn mạnh đến một mức độ nhất định, chẳng hạn 1 triệu lượt xem/tháng hoặc theo danh sách định kỳ 6 tháng do Bộ TT&TT công bố thì cần phải xin giấy phép Trang tin điện tử hoặc giấy phép Mạng xã hội và chịu các hình thức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm như các đơn vị trong nước.
Bên cạnh đó, Điều 26 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức/doanh nghiệp nước ngoài nên bổ sung thêm việc các cơ quan/tổ chức nước ngoài cần phải đăng đầy đủ các thông tin về văn phòng đại diện, số điện thoại, địa chỉ của người đại diện... trên website ở vị trí dễ nhìn thấy để người dùng và các cơ quan khác có thể liên hệ khi cần.
Điều 31 trong Dự thảo cũng cần có điều khoản về việc người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải tự chịu trách nhiệm về các thông tin do mình phát tán lên mạng xã hội và chịu sự điều chỉnh theo các quy định của pháp luật liên quan (như Luật Dân sự, Pháp lệnh về cạnh tranh, Luật Thương mại…). Tại Điều 5 cũng đã nêu các hành vi bị cấm chặt chẽ và đầy đủ, nhưng cần nhấn mạnh thêm về trách nhiệm cá nhân của người sử dụng này trong Điều 31. “Tại Trung Quốc cũng có quy định tương tự như vậy để người sử dụng có thêm trách nhiệm trong việc cân nhắc đưa các thông tin lên các mạng xã hội”, ông Hưng dẫn chứng.
Về phương thức quản lý, ông Minh cũng cho rằng tinh thần của Dự thảo Nghị định 97 mới đang thiên theo phương thức hành chính (doanh nghiệp phải có đầy đủ yêu cầu mới cấp phép và buộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi cung cấp nội dung và dịch vụ trên Internet) và kiểm soát bằng việc thanh kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử phạt hành chính và rút giấy phép. Việc quản lý, kiểm soát bằng cách này sẽ chỉ có thể quản lý được doanh nghiệp trong nước, khi những đơn vị này phải xin giấy phép, chịu sự thanh và kiểm tra, mất giấy phép hoặc bị đóng cửa. Ví dụ, doanh nghiệp game trong nước bị giới hạn về nội dung, giờ chơi và cấm được đặt server ngoài biên giới cung cấp dịch vụ, trong khi đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến nước ngoài không hề bị giới hạn.
Ngoài ra, cũng theo ông Minh, Nghị định mới không có quy định buộc doanh nghiệp nước ngoài phải đăng ký giấy phép và chịu chế độ thanh kiểm tra như doanh nghiệp trong nước. Điều này đang dẫn đến thực trạng, các trang tin nước ngoài được thoải mái đăng tin, cho hiển thị những bình luận vi phạm thuần phong mỹ tục, chống phá nhà nước hay mạng xã hội nước ngoài xuất hiện tràn làn các thông tin phản động, xúc phạm cá nhân, tổ chức và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dưới nhiều dạng text, hình ảnh và clip.
Theo ICTnews