Sự kiện hot
13 năm trước

Doanh nghiệp phản ánh về việc hạ lãi suất

Nhiều DN cho rằng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tới hoạt động kinh doanh của họ, mà Chính phủ cần có thêm các giải pháp đồng bộ nữa để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Nhiều DN cho rằng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tới hoạt động kinh doanh của họ, mà Chính phủ cần có thêm các giải pháp đồng bộ nữa để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Kể từ 11/6, trần lãi suất huy động VND giảm xuống 9%/năm, trần lãi suất cho vay VND với 4 nhóm đối tượng xuống theo, các lãi suất điều hành tiếp tục giảm… Tuy cũng còn băn khoăn về điều kiện tiếp cận vốn vay theo lãi suất mới, nhưng việc giảm lãi suất nhanh là nguyện vọng chung, tín hiệu vui của nhiều doanh nghiệp.

Hạ lãi suất tiền gửi: Mũi tên trúng hai đích

Nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và cho vay kể từ ngày 11/6, ông Nguyễn Cao Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dệt May CMC cho rằng đây có thể được coi là một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn; Thứ hai khi lãi suất huy động giảm, có thể người dân sẽ có thêm nhiều kênh đầu tư khác, ngoài việc chỉ gửi tiết kiệm, từ đó sẽ góp phần kích thích sản xuất, tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Cường cũng mong muốn các ngân hàng sẽ có cơ chế mở hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi các doanh nghiệp nhỏ làm ăn hiệu quả chính là các doanh nghiệp an toàn, sản xuất thực sự và quay vòng vốn nhanh.

Theo quan điểm của ông Lê Văn Hựu, Giám đốc Công ty TNHH Hựu Hưng, chuyên phân phối các sản phẩm đồ uống ở Hà Nội và kinh doanh vận tải, khi ngân hàng cho vay với lãi suất cao thì doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều bị ảnh hưởng. Lãi suất cao kéo theo nhiều hệ lụy như ngân hàng huy động đầu vào nhiều nhưng cũng không cho vay được. Doanh nghiệp không vay được vốn, hoặc phải vay với lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh, thậm chí đình đốn, ngừng trệ sản xuất, dẫn đến nguy cơ lao động thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ vững trước tình hình kinh tế khó khăn. Vì vậy hạ lãi suất là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay.

“Đây cũng sẽ là một tín hiệu có lợi cho thị trường chứng khoán, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm hạ, người dân có thể sẽ tập trung hơn vào kênh đầu tư chứng khoán. Điều này sẽ có lợi cho doanh nghiệp”, ông Hựu cho hay.

Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho rằng,khi lãi suất tiền gửi thấp, thị trường chứng khoán mới trở về đúng bản chất là thị trường cấp vốn. Và khi thị trường chứng khoán trở về là thị trường cấp vốn nó sẽ phát triển ổn định, chắc chắn kéo theo sự phát triển của kinh tế.

Điều kiện tiếp cận vốn là một mối quan tâm

Còn đối với bà Phan Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Hiền Anh, điều các doanh nghiệp quan tâm là tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Tuy nhiên thực tế hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được với nguồn vốn vay này.

Lý do là có ngân hàng đưa ra các điều kiện được vay khắt khe vì bản thân các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với những khoản nợ xấu. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thì hàng hóa tồn kho nhiều, không tiêu thụ được sản phẩm nên dẫn đến sản xuất cầm chừng, không đủ điều kiện để vay vốn, mà thậm chí nếu được vay vốn họ cũng không dám vay vì sản xuất không bán được.

Do đó, theo bà Hoàng Anh, hạ lãi suất có thể sẽ là biện pháp để các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tiếp cận nguồn vốn vay cũng như giảm gánh nặng nợ. Và khi doanh nghiệp có cơ hội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng cũng sẽ giảm bớt được nỗi lo “nợ xấu”.

Còn về phía người dân khi gửi tiết kiệm không còn là một kênh đầu tư hấp dẫn, thì họ có thể rút tiền ra đầu tư vào các kênh khác để có hiệu quả hơn, chẳng hạn như thị trường bất động sản, chứng khoán… Nhìn chung việc giảm lãi suất tiền gửi được kỳ vọng sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế vào thời điểm này.

Điều có lợi nhất đối với doanh nghiệp lúc này, theo ông Vũ Đức Vận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đông Phương là khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp vừa kinh doanh thương mại vừa sản xuất sẽ có vốn để đầu tư mua nguyên liệu, trang thiết bị… có những chiến lược dài hơi hơn trong phát triển và kinh doanh, thị trường cạnh tranh tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội phát triển tiếp.

Tuy nhiên, ông Vận cũng chia sẻ: Đối với các doanh nghiệp yếu, kém, ngân hàng cần cân nhắc khi quyết định cho vay vốn. Nhưng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi nhuận tăng trưởng lớn thì ngân hàng nên xem xét, tạo điện kiện vay vốn. Doanh nghiệp ủng hộ việc hạ lãi suất nhưng nếu doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay như đã đưa ra thì không hẳn thuận lợi cho doanh nghiệp hay người dân. Do đó, cần có sự điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay tiền và các tổ chức tín dụng.

Đối với ngành Dệt may, ông Bùi Đức Đảng, Giám đốc Công ty May Đại Đồng tỉnh Thái Bình cho biết, đầu ra của sản xuất trong năm 2012 đang gặp khó khăn, các khách hàng đều mong muốn được giảm giá trong khi đó chi phí sản xuất tăng. Sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của công nhân. Vì vậy, việc giảm lãi suất của Ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn, có điều kiện để giảm chi phí sản xuất, đây là một điều kiện để thu hút được thêm đơn hàng, đồng nghĩa với việc thu nhập của công nhân cũng ổn định hơn.

Mong những "liều thuốc" đúng bệnh

Dù thừa nhận chủ trương hạ lãi suất huy động và cho là một trong những động thái tích cực, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng rất nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng, lãi suất không phải là yếu tố quyết định tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà Chính phủ cần có thêm các giải pháp đồng bộ nữa để giúp doanh nghiệp vượt khó.

Theo ông Nhâm Tiến Chung, Giám đốc Công ty sản xuất và Thương mại Việt Mỹ, “nên chăng, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần công khai các kênh mà doanh nghiệp có thể vay vốn, tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục vay vốn. Và quan trọng hơn là phải công khai, minh bạch hoạt động của các ngân hàng. Dĩ nhiên, về phần mình, doanh nghiệp cũng phải tự cứu trước khi ngân hàng ứng cứu và phải chấp nhận sự đào thải của thị trường, bởi đây là quy luật tất yếu”.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Tất Thành, Trợ lý Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Đức Thành: Việc ngân hàng đọng vốn, doanh nghiệp “đói” vốn đã khiến cho sản xuất ngưng trệ, kinh tế đi xuống, tình trạng nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp không được tiếp tục cho vay điều này đã “ăn mòn” vào vốn của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ thì cần xử lý thành hệ thống, có thêm hành lang pháp lý.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Khắc Quý, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ, "hiện nay doanh nghiệp gặp khó khăn không chỉ do không vay được vốn để sản xuất mà phần nhiều là vì doanh nghiệp không bán được hàng hóa do thị trường co hẹp. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp những khó khăn khác như không mua được nguyên liệu sản xuất. Do đó, các chính sách hỗ trợ rất cần sự đồng bộ và tất nhiên không thể giúp cho toàn bộ các doanh nghiệp được. Những chính sách phù hợp vào thời điểm này chính là động lực, là liều thuốc "tăng lực" đúng người đúng bệnh, giúp cho doanh nghiệp phục hồi, từng bước phát triển trong thời điểm hiện nay".

Theo chinhphu

Từ khóa: