Việc cấm đường tại Hà Nội gần một tháng trời khiến cho nhiều nhà máy xí nghiệp phân bón nằm trên cung đường cấm gặp rất nhiều khó khăn.
Việc cấm đường tại Hà Nội gần một tháng trời khiến cho nhiều nhà máy xí nghiệp phân bón nằm trên cung đường cấm gặp rất nhiều khó khăn.
Từ 28.1 đến 25.2 Hà Nội triển khai cấm một số tuyến đường từ vành đai, quốc lộ và nội thành để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tuy nhiên điều này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp phân bón nằm trên cung đường cấm gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch hạn chế phương tiện hoạt động trên hàng loạt tuyến phố dịp nghỉ Tết.
Theo Kế hoạch số 04/LNCATP-GTVT về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ từ 28.1 đến 25.2 các phương tiện giao thông sẽ bị hạn chế hoạt động ở một số tuyến đường: Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long; đường 70; đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Phúc La - Văn Phú - Phùng Hưng - Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ - Ngọc Hồi - Pháp Vân - cầu Thanh Trì - Nguyễn Văn Linh - Ngô Gia Tự trở vào trung tâm thành phố.
Tại các tuyến đường trên, các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng toàn bộ đến 1,25 tấn: cấm hoạt động trong giờ cao điểm.
Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng toàn bộ từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công: Chỉ được phép lưu hành từ 21h - 6h sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền.
Việc cấm đường gần một tháng trời khiến cho nhiều nhà máy xí nghiệp phân bón nằm trên cung đường cấm gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển, ông Hoàng Văn Tại – Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Mấy hôm nay xe chở hàng của doanh nghiệp (DN) không ra vào chở hàng được, hàng đang tồn trong kho rất lớn, trong lúc đó nguyên liệu không có để sản xuất.
Đây là thời điểm làm ăn của công ty mà không thể chuyển phân bón đến tay nông dân được, nông dân không có phân bón, thời vụ sẽ chậm lại, bên cạnh đó kế hoạch tiêu thụ sản xuất sẽ đình trễ lại và không thể hoàn thành được. Nông dân than phiền khắp nơi, Hội Nông dân Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên kêu ca với tôi liên tục mấy ngày nay”.
Cùng chung cảnh ngộ với Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển có Công ty xuất nhập khẩu phân bón Hà Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội), đại diện công ty Hà Anh than phiền: “Năm nào T.P Hà Nội cũng triển khai cấm đường tuy nhiên khác với mọi năm, năm nay T.P cấm luôn cả đường vành đai 3 tức là bịt luôn đầu ra cũng như đầu vào của DN. Các năm trước việc cấm đường không ảnh hưởng tới DN vì thành phố không cấm đường vành đai 3”.
Đối với ngành sản xuất phân bón, Thủ tướng và Bộ Công Thương đã có chỉ thị phải cung ứng đủ phân bón cho nông dân để sản xuất vụ đông xuân, từ lúc cận tết cho đến qua tết là thời gian cao điểm của việc cung cấp phân bón phục vụ cho việc gieo cấy. Mà thời vụ cũng rất ngắn nếu để qua thời vụ mà nông dân không có phân bón để gieo cấy thì sẽ bị trễ mùa vụ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Anh Trần Văn Đông, nông dân xã Vũ Hòa, huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết: “Hiện nay bà con đang triển khai gieo cấy lúa vụ đông xuân, toàn xã có khoảng 30 ha diện tích gieo cấy và xã sẽ mở rộng thêm 30% diện tích, nếu mà không có đủ phân bón thì nguy to, mùa vụ sẽ đình trệ, năng suất sản lượng chắc chắn sẽ giảm sút”.
Trước tình hình khó khăn đó, ông Hoàng Văn Tại – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển đề xuất: “Chúng tôi biết kế hoạch cấm đường của thành phố nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và chúng tôi đồng tình với quyết định đó. Năm nào thành phố cũng triển khai việc cấm đường tuy nhiên các năm trước đường vành đai 3 không bị cấm nên DN vẫn hoạt động bình thường.
Vì vậy đề nghị thành phố không cấm đường vành đai 3, hiện nay đường vành đai 3 cũng đã có cao tốc trên cao nên đã giảm thiểu ùn tắc giao thông đáng kể vào giờ cao điểm”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc sở Giao thông vận tải Hà Nội:
Thành phố đã ban hành Quyết định 06 để thực hiện kế hoạch này, các doanh nghiệp có xe chuyên chở hàng hóa trên 10 tấn thì liên hệ với Sở Giao thông vận tải Hà Nội còn dưới 10 tấn liên hệ với Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội để cấp phép thực hiện theo quy định. Việc cấm đường nhằm đảm bảo an toàn dân sinh, các doanh nghiệp phải thực hiện theo quyết định đã ban hành.
Ông Phạm Văn Nghĩa - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Pin Hà Nội: “Việc cấm xe tải hoạt động vào giờ cao điểm khiến cho công ty chúng tôi gặp khó khăn trở ngại trong việc vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và đưa sản phẩm đi tiêu thụ, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc bán hàng và nhập hàng. Vì vậy chúng tôi đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp hoạt động trên các cung đường cấm được đăng ký cho xe ra vào lấy hàng, nếu không doanh nghiệp sẽ rất khốn đốn vì cấm những gần 1 tháng trời”.
Ông Mai Chiến Thắng - TGĐ Cty CP Cao su Sao Vàng (nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “ Công ty chúng tôi đang tính phải chuyển trụ sở ra ngoại thành vì không chịu nổi việc cấm đường vào những ngày lễ, tết. Việc cấm không cho xe tải hoạt động gần như chặn đường sống của DN khi chi phí vận tải đội lên gấp đôi, gấp ba lần. Bởi vậy chúng tôi đang tính chuyện phải chuyển đi nơi khác thôi”.
|
Đình Thắng
theo Dân việt