Việc cần làm bây giờ là phải làm tốt, chấp hành "luật chơi" quốc tế, làm sao chứng minh điều kiện cá tra Việt Nam tương đồng với cá da trơn (catfish) của Mỹ, khi đó sẽ bán được với giá cao hơn.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Bắt đầu từ ngày 2/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã kiểm tra tất cả các lô hàng cá tra và cá da trơn nhập nhẩu từ Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra e dè trước việc này và đã có không ít ý kiến nhận định rằng cá tra Việt Nam sẽ bị “triệt” đường vào Mỹ khi chương trình thanh tra cá da trơn (các loài cá thuộc bộ Siluriformes) của Mỹ được triển khai. Tuy nhiên, theo nhận định của các doan nghiệp xuất khẩu cá tra thì đây cũng là một cơ hội cho ngành cá tra.
Công ty TNHH Biển Đông là một trong số ít doanh nghiệp của Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp tại Mỹ. Nhưng trước việc cá tra khi vào Mỹ phải được kiểm tra toàn bộ tại các kho do Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định (gọi là các i-house), ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Biển Đông lo ngại có khả năng sẽ xảy ra câu chuyện ùn ứ hàng, kéo theo tiến độ giao hàng cũng sẽ bị chậm lại. Khả năng thị trường Mỹ bị thiếu hàng tạm thời là có thể xảy ra, đồng thời công ty cũng gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn.
Theo công bố của USDA, chỉ có 40 kho i-house nằm rải rác trên khắp nước Mỹ trong khi 100% hàng của Việt Nam khi đến Mỹ đều phải đưa vào các kho này.
Những i-house sẽ tiến hành kiểm tra các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ nước ngoài, xem chất lượng bên trong có giống với nhãn dán bên ngoài hay không. Sau đó, sản phẩm đạt chuẩn sẽ được dán nhãn hợp quy trước khi bán ra thị trường.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Biển Đông cũng cho rằng, việc kiểm tra sản phẩm cá da trơn của Mỹ có thể khẳng định không hề vi phạm thông lệ quốc tế mà đây chỉ là rào cản vĩ mô lớn, nhằm bảo hộ cá da trơn (catfish) của Mỹ. Theo ông Trường, tạm thời nếu muốn xuất khẩu ổn định vào thị trường Mỹ thì phải chấp hành.
Ông Trường cũng tiết lộ, hiện giá cá tra tại Mỹ đã tăng rất nhiều, lên mức 1,9 USD/pound (tương đương 4 USD/kg). “Thực sự đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất cá tra qua Mỹ”, ông Trường khẳng định. Theo ông Ngô Quang Trường, nhờ cơ hội này mà kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ cao hơn nhờ giá bán cao. Điều này có lợi cho người nông dân và cả doanh nghiệp.
Tuy vậy, cơ hội là có nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức là trong quá trình nuôi trồng, người dân và doanh nghiệp phải có trình độ cao hơn, sạch hơn, hạn chế sử dụng kháng sinh, các chất cấm. “Chúng ta phải nuôi thưa hơn, tiến tới nuôi theo mô hình sinh thái mới có thể vượt qua rào cản này”, ông Trường nói.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc II, thành phố Cần Thơ) là một trong ba doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường Hoa Kỳ và được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp tại thị trường này. Công ty áp dụng quy trình khép kín trong nuôi cá tra thương phẩm từ thức ăn, con giống, vùng nuôi và đưa vào chế biến tại nhà máy. Nhờ kiểm soát tốt chất cấm, tồn dư kháng sinh trong sản phẩm mà công ty vẫn sản xuất và xuất khẩu ổn định sau khi Chương trình thanh tra 100% cá tra Việt Nam của Hoa Kỳ được áp dụng vào ngày 2/8/2017. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Biển Đông. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Ông Trường cho rằng, thị trường Mỹ là thị trường "đầu tàu", nếu cá tra vào Mỹ có giá cao thì các thị trường khác cũng sẽ tăng giá theo. Hiện nay, doanh nghiệp không thể nào tự “bơi” một mình.
Về góc độ nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đóng vai trò chủ yếu, trong đó phải chuyển đổi cách quản lý, kiểm soát phù hợp.
Việc cần làm bây giờ là phải làm tốt, chấp hành "luật chơi" quốc tế, làm sao chứng minh điều kiện cá tra Việt Nam tương đồng với cá da trơn (catfish) của Mỹ, khi đó sẽ bán được với giá cao hơn. Bên cạnh đó, khi được thị trường nhìn nhận thì giá trị của cá tra sẽ được nâng lên.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vinapa), ông Dương Nghĩa Quốc nhận định, sau ngày 2/8, cá tra Việt Nam khi vào Mỹ thì thời gian tồn lưu kho phải kéo dài hơn trước. Việc kiểm tra được tiến hành rất nghiêm ngặt. Đây là một rào cản cho cá tra của Việt Nam khi xuất sang Mỹ.
Theo quy định trong hợp đồng, chi phí trong thời gian tồn lưu này phía nhập khẩu phải chịu. Do đó, theo dự báo của các doanh nghiệp, giá nhập khẩu cá tra sẽ tăng và điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ.
Để cá tra được xuất khẩu sang Mỹ thì 100% không sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi. Mật độ nuôi phải đảm bảo, vùng nuôi phải chủ động nguồn nước, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở Cần Thơ tiết lộ, doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân và để đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp đã phải tự đầu tư máy móc để kiểm soát dư lượng kháng sinh, thiết bị kiểm tra từ bán thành phẩm đến thành phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, từ nay đến cuối năm, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ có thể sẽ giảm vì phải mất thời gian lưu kho lâu hơn trước. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Mỹ có thể hạn chế tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam bởi giá tăng cao do các chi phí tăng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 836 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 176,5 triệu USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường tăng nhiều nhất là Trung Quốc tăng 46,5% và Brazil tăng 46,3% so với cùng kỳ.
Thanh Liêm
Theo Bnews/TTXVN