Mặc dù giá xăng đã được điều chỉnh tăng ở mức khá cao trong ngày 7.3, nhưng theo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc tăng giá chỉ giảm bớt một phần khó khăn của DN.
Mặc dù giá xăng đã được điều chỉnh tăng ở mức khá cao trong ngày 7.3, nhưng theo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc tăng giá chỉ giảm bớt một phần khó khăn của DN.
Tuy nhiên, do việc kìm giữ giá quá lâu khi giá cơ sở tăng cao hơn giá bán đã khiến hệ thống cung ứng xăng dầu ở vào tình trạng đứt nguồn (nhiều cây xăng ngừng bán). Một cơ chế điều hành giá ổn định và dài hơi hơn là việc các cơ quan quản lý cần tính đến. DN đầu mối lớn về kinh doanh xăng dầu - ông Vương Thái Dũng - Phó TGĐ Petrolimex - đã chia sẻ với phóng viên Lao Động.
Việc tăng giá xăng dầu, theo tính toán của DN đã giảm bớt phần nào khó khăn về giá. Ông có cho rằng, nguồn cung sẽ được cải thiện?
- Theo như Bộ Tài chính công bố, thì lần điều chỉnh lần này cũng mới giải quyết được một phần khó khăn cho DN đầu mối do phải chịu gánh nặng lỗ trong thời gian khá dài. Nếu tính đủ theo barem thuế thì mức giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng 4.200đ/lít đến 6.500đ/lít tùy loại.
Biểu đồ giá sản phẩm xăng, dầu tại thị trường Singapore từ ngày 7.2 đến 6.3 (đơn vị tính: USD/thùng)
Như vậy mức điều chỉnh hiện nay mới bằng từ 12- trên 40% mức lẽ ra phải điều chỉnh. Về phía DN, do phải chịu chênh lệch giá cơ sở với giá bán một thời gian quá dài, nên sẽ phải chịu lỗ đậm. Lần điều chỉnh này theo tính toán mới chỉ giảm bớt khó khăn về lỗ. DN vẫn chưa có lợi nhuận.
Trước khi điều chỉnh tăng giá, các DN đầu mối chỉ kêu lỗ trên dưới 1.000đ/lít xăng, dầu. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng quyết định giảm tiếp 3% xuống 0% thuế NK dầu. Như vậy, dư địa cho giá khá lớn, sao vẫn tăng tới 2.100đ/lít xăng; 2.000đ/lít dầu madút?
- Mức lỗ trên dưới 1.000đ/lít xăng, dầu là mức đã được xả quỹ bình ổn. Hơn nữa, giá thế giới tăng rất cao. Nếu lấy giá nhập khẩu trong ngày 7.3, so sánh giá cơ sở với giá bán hiện hành, mức chênh lệch của mặt hàng xăng là 2.320đ/lít, tương đương mức tăng 11%; tương tự dầu DO chênh lệch 1.700đ/lít, tương đương 8,5%; dầu madút 2.100đ/lít, chênh 12,7%; dầu hỏa 1.450đ/lít, chênh 7%. Nếu đã chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán như vậy, thử hỏi DN làm gì có nguồn để trích quỹ bình ổn, thậm chí không tính cả lợi nhuận định mức.
Hiện giá xăng, dầu lên, xuống vẫn do Nhà nước điều hành, DN chưa được thực hiện theo nghị định 84. Chính cơ chế điều hành này đã khiến thị trường xăng dầu luôn căng thẳng, nguy cơ đứt nguồn cung hiện hữu khi DN bị đặt lên vai gánh nặng thua lỗ?
- Đúng vậy. Trên thực tế, giá xăng dầu vẫn do Nhà nước kiểm soát. Trong trường hợp xảy ra những biến động lớn về giá xăng dầu thế giới tăng cao, mà giá xăng dầu những năm gần đây rất khó đoán định, trong khi chúng ta phải phụ thuộc lớn vào nguồn cung thế giới. Chính việc điều chỉnh giá không kịp thời, kìm giá quá lâu sẽ đẩy các DN đầu mối đến nguy cơ thua lỗ. Các đại lý cũng ngừng bán hàng.
Do cơ chế điều hành không thay đổi nên tình trạng của năm nay lặp lại tương tự kịch bản của năm cũ, chỉ khác là lần này, DN đầu mối bớt chịu sức ép của tỉ giá ngoại tệ và không khó tiếp cận ngoại tệ như trước đây. Chính vì vậy, nguyện vọng lớn nhất và cũng là giải pháp căn cơ mà các DN đề xuất là Chính phủ nên để thị trường xăng dầu vận hành theo quy định tại thông tư 84: DN được quyền tự định giá, nhưng có sự can thiệp của Nhà nước.
Sự can thiệp này là các bộ ngành chức năng có quyền thẩm định giá bán của DN đầu mối. Khi DN đầu mối điều chỉnh giá, nếu thẩm định không đúng, cơ quan quản lý có quyền bác, không cho tăng, hoặc yêu cầu DN điều chỉnh mức tăng. Như thế mới thỏa đáng.
- Xin cảm ơn ông.
Theo công văn số 2177/BTC-VP ngày 21.2, Bộ Tài chính cho biết dầu thành phẩm bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 16.1 - 14.2) so với bình quân 30 ngày trước đó (từ ngày 17.12.2011 đến ngày 15.1.2012) đã tăng từ 3,14 – 6,47%. Trong đó, tăng mạnh nhất là xăng với tỉ lệ tăng 6,47%. Cụ thể, bình quân giá xăng Ron 92 tăng từ 116,22USD/thùng lên 123,74USD/thùng; dầu diesel 0,05%S tăng từ 127,07USD/thùng lên 131,26USD/thùng; dầu hỏa tăng từ 124,18USD/thùng lên 128,08USD/thùng; madút tăng từ 693,6USD/tấn lên 724,86USD/tấn.
Theo tính toán này, tất cả các chủng loại xăng, dầu đều có giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành từ 372 đồng/lít đến 844 đồng/lít. Cụ thể, xăng RON 92 có giá cơ sở cao hơn giá bán 844 đồng/lít; diesel 0,05 S là 387 đồng/lít; dầu hoả là 372 đồng/lít và madút là 444 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo tính toán chỉ tính riêng với xăng RON 92, (theo số liệu công bố trên website của Petrolimex) ngày 21.2 mặt hàng này có giá 130,08USD/thùng, đến ngày 6.3 có giá 132,49USD/thùng. Tức là từ ngày có quyết định giảm thuế nhập khẩu gần nhất tới nay, giá xăng RON 92 tăng 2,41USD/thùng (tương đương 316,1 đồng/lít). Như vậy, giá cơ sở của mặt hàng xăng RON92 tính đến 6.3 đã tăng thêm do giá xăng dầu thế giới tăng cao, tuy nhiên mức tăng nếu cộng thêm cả các chi phí khác như vận chuyển, bảo hiểm... cũng chưa tới 1.500 đồng/lít. Do đó, nhiều người dân thắc mắc về việc điều chỉnh giá của mặt hàng này từ ngày 7.3 với mức tăng 2.100 đồng/lít của liên bộ trên cơ sở nào là hoàn toàn chính đáng.
L.Thuỷ
|
Hồng Quân
Theo Lao dong