Sự kiện hot
4 năm trước

Doanh nghiệp xuất khẩu lao đao, ngân hàng vào cuộc hỗ trợ

Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước còn gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao. Trước tình hình đó, nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng cùng các giải pháp tài trợ xuất khẩu từ các ngân hàng là trợ lực quan trọng để các doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua những khó khăn hiện tại.

Chi phí sản xuất tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ ước đạt 26 tỷ USD trong tháng 5, giảm 2,1% so với tháng trước, song vẫn tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế cho thấy, mặc dù hoạt động sản xuất trong nước đã phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc tích cực, các đơn hàng xuất khẩu cũng đã trở lại, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, cước vận tải ngày càng đắt đỏ, trong khi giá thành sản phẩm không tăng hoặc nhích nhẹ.

doanh nghiep xuat khau lao dao ngan hang vao cuoc ho tro
Nhiều loại chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn

Đơn cử như với ngành may mặc, thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ đã đẩy giá bông thế giới tăng cao, do quốc gia này không thể xuất khẩu được bông. Bên cạnh đó, giá sợi cũng đã tăng lên khoảng 25% từ cuối năm trước kéo dài đến những tháng đầu năm nay. Giá nguyên vật liệu tăng cao đã khiến các doanh nghiệp dệt may gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, dù doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II, thậm chí là sang quý III/2021, nhưng thách thức về chi phí logictics, giá nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm tăng không đáng kể hoặc giữ nguyên vẫn làm khó doanh nghiệp.

Nhiều công ty chế biến xuất khẩu thủy sản cũng cho biết, giá các vật tư đầu vào phục vụ cho hoạt động của các nhà máy chế biến thủy sản đã tăng 8%-25%. Đơn cử như giá mặt hàng găng tay cao su, nhựa tăng 8%-9% so với tháng trước, băng keo tăng 15%…

Không chỉ vậy, cước vận tải đang tăng cao cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp. Mới đây, chỉ số giá cước vận tải container toàn cầu - Drewry World Container Index cho thấy chi phí vận chuyển hàng container bằng đường biển từ châu Á sang châu Âu tăng trên 10.000 USD - một con số kỷ lục và cho thấy khó khăn quá lớn mà các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đang đối mặt. Đây không phải là lần đầu giá cước vận tải tăng cao vì dịch bệnh, ngay từ cuối năm trước, giá cước vận tải đường biển tuyến Á - Âu, Á - Mỹ có thời điểm đã tăng 5 - 10 lần và kéo dài đến nay. Nhiều doanh nghiệp cho biết vì đã lỡ ký hợp đồng với đối tác nên vẫn chịu không có lãi, thậm chí là lỗ để giữ chân khách hàng, nhiều đơn hàng cũng đã bị hủy vì khách tìm được nguồn hàng hợp lý hơn.

Bà Hoàng Thị Hương - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Nhựa Quốc Tế Anh Tú chia sẻ, do dịch bệnh, do căng tải, cước vận tải biển tăng quá cao cũng như biến động lớn về chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho kinh doanh. Doanh nghiệp này đã phải đối mặt với việc chốt đơn hàng gặp nhiều trở ngại vì ảnh hưởng giá và chi phí lớn.

Trong khi đó, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến doanh nghiệp càng phải căng mình vừa lo sản xuất, vừa lo phòng chống dịch bệnh. Một số doanh nghiệp cũng cho biết đang đau đầu vì chi phí phục vụ xét nghiệm Covid-19 cho người lao động.

Nhiều giải pháp từ phía ngân hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch Covi-19 bùng phát đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, nay lại phải đối mặt với hàng loạt chi phí sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì không có dòng tiền xoay vòng trong sản xuất, trong khi đó đơn hàng đã nhận, không thể chậm trễ giao hàng.

Trước tình hình đó, các nhà băng đã tích cực vào cuộc bằng hàng loạt các gói vay ưu đãi và sản phẩm tài trợ xuất khẩu được thiết kế dành riêng cho nhóm đối tượng này. Đơn cử như tại MSB, từ nay đến ngày 31/12/2021, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là khách hàng của nhà băng này sẽ được vay vốn VND với lãi suất chỉ từ 6%/năm và từ 3,0%/năm với USD. Không chỉ có lãi suất vay siêu ưu đãi, khách hàng còn có thể được tài trợ vốn không tài sản bảo đảm lên tới 90% giá trị hợp đồng/LC xuất khẩu. Khi sử dụng giải pháp tín dụng toàn diện này, doanh nghiệp sẽ được giảm 30% phí tài trợ thương mại, chuyển tiền quốc tế và miễn 100% phí quản lý tài khoản, dịch vụ Internet Banking và nộp thuế điện tử/hải quan điện tử.

BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho các DNNVV kinh doanh xuất nhập khẩu, với lãi suất từ 3,8%/năm-6,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 3-9 tháng…

Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Phân khúc khách hàng MM và USME của Techcombank cho biết, với các doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu, ngân hàng hoàn toàn sẵn sàng ứng trước tiền để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đưa ra những giải pháp nhằm tối ưu chi phí cho doanh nghiệp. Đơn cử như ưu đãi các chi phí về thanh toán, thiết kế các giao dịch thanh toán quốc tế càng đơn giản càng tốt.

Hay như tại SHB, doanh nghiệp được cung cấp sản phẩm chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu với thời gian chiết khấu tối đa lên tới 6 tháng với các phương thức thanh toán đa dạng: Thư tín dụng (L/C trả ngay, L/C trả chậm, L/C UPAS (thư tín dụng trả ngay có thể trả chậm), L/C chuyển nhượng); Nhờ thu (Nhờ thu trả ngay D/P, nhờ thu trả chậm D/A); CAD (Giao chứng từ nhận tiền ngay).

Ngoài ra, các ngân hàng còn đầu tư đội ngũ chuyên gia tư vấn cho từng ngành, lĩnh vực khác nhau, kết nối các đối tác quốc tế từ mạng lưới sâu rộng của mình để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm các đơn hàng mới, bảo lãnh để doanh nghiệp đủ điều kiện có thể bước vào thị trường mới một cách dễ dàng hơn.

Với trợ lực mạnh mẽ từ các ngân hàng, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong thời gian tới để tận dụng các ưu đãi từ hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Quỳnh Trang
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: