Sự kiện hot
10 năm trước

“Độc chiêu” mua hàng giảm giá cuối năm

(ĐS&TD) - Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình muốn tiết kiệm chi tiêu bằng việc mua sắm hàng giảm giá, khuyến mãi. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng băn khoăn có nên tiết kiệm bằng cách mua hàng khuyến mãi, giảm giá ồ ạt cuối năm hay không?


Nhãn hiệu thời trang John Henry giảm giá tại siêu thị Big C

Nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm

Trên thị trường, ngày càng nhiều "chiêu trò" giảm giá, khuyến mãi khiến không ít người tiêu dùng ngại mua hoặc không còn hứng thú mua hàng giá rẻ. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm thì người tiêu dùng có thể tận dụng dịp khuyến mãi cuối năm vì dịp này rất nhiều nơi giảm giá.

Thời gian từ trước Giáng sinh đến cận Tết Nguyên đán, người tiêu dùng không khó tìm thấy những nơi bán quần áo giảm giá, khuyến mãi.

Tại hệ thống siêu thị Big C, hàng loạt hãng thời trang thương hiệu trong và ngoài nước như Nino Max, John Henry, Jockey… giảm giá, ưu đãi cho khách hàng như giảm 50%, bán hàng đồng giá, giảm giá ưu đãi cho các hóa đơn có giá trị, tặng kèm hàng khuyến mãi...

Tại siêu thị Co.opMart cũng có rất nhiều thương hiệu quần áo trong nước thi nhau giảm giá, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm những trang phục phù hợp cho gia đình với giá mềm hơn trước đây.

Một số shop, nhãn hàng thời trang được giới trẻ ưa chuộng như Ha-Gattini, Couple TX… giảm từ 20-70%, giá cả bình dân phù hợp với dân văn phòng, sinh viên, công chức. Với mức giá từ 30.000 - 200.000 đồng là có thể sở hữu một món đồ đẹp.

Mặt khác, dọc các tuyến đường thành phố, người đi đường sẽ thấy rất nhiều quầy bán quần áo trên vỉa hè với giá rất rẻ, chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng. Tuy nhiên, khi mua hàng ở đây, người tiêu dùng khó xác định nguồn gốc hàng hóa cũng như chất lượng món hàng mình mua.

Mua hàng giảm giá, cẩn thận dính bẫy

Trao đổi với PV, nhiều người từng mua hàng giảm giá, khuyến mãi cuối năm chia sẻ kinh nghiệm. Chị Hoàng Anh (nhân viên văn phòng) cay đắng kể: “Thấy hàng giảm giá khá đẹp mà giảm tới 50% nên nghĩ là sẽ tiết kiệm được nhiều tiền so với mua giá gốc, nhưng khi đem khoe với đồng nghiệp mới ngỡ là người ta mua giá gốc còn rẻ hơn mình! Mình mới ngộ ra đó là chiêu trò giảm giá “ảo” của người bán hàng”.

Một trường hợp khác lại cho rằng, việc mua hàng giảm giá đồng nghĩa chất lượng hàng cũng giảm theo. Bạn Lan (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) chia sẻ: “Với túi tiền hạn hẹp của sinh viên, em tận dụng dịp khuyến mãi để mua sắm vài bộ đồ đi học, đi chơi. Tuy nhiên hàng mua có đẹp và rẻ nhưng mặc chỉ được vài lần thì sứt chỉ, bạc màu hay bị sờn rách”.

Với người thích mua sắm, kinh tế dư dả như chị Hằng (trưởng phòng dự án một công ty bất động sản), sau khi ôm đống quần áo vừa đẹp, giá bằng 50% giá gốc về nhà, đếm lại ví tiền thì mới biết gần chục triệu đồng trong ví đã “không cánh mà bay”. Chị kể: “Lúc mua ham rẻ thấy cái nào cũng đẹp, cũng thích nên cứ ưng mắt, vừa vặn là tôi mua hết mà nhiều khi mua về lại không mặc đến. Bây giờ nghĩ những khoản chi tiêu sắp tới, thấy mình hoang phí”.

Tuy nhiên, cũng có người thích mua hàng giảm giá. Chị Linh Lan (nhân viên tư vấn bảo hiểm) cho biết: “Tôi thường chờ đến giảm giá vào dịp cuối năm để mua sắm một lúc dùng cho cả năm, vừa tiết kiệm tài chính vừa tiết kiệm thời gian”.

Anh Phương (kỹ sư xây dựng) chia sẻ: “Vợ tôi thường trích khoản tiền thưởng cuối năm để lựa chọn thời điểm giảm giá thích hợp mua sắm cho cả gia đình, cũng may vợ tôi rất biết lựa đồ, nên cha con tôi rất thích”.

Một số “chiêu” mua hàng giảm giá, khuyến mãi cuối năm

Mạn phép tư vấn bạn đọc một số tuyệt chiêu để mua hàng giảm giá, khuyến mãi được như ý:

1. Xác định mục đích khi mua đồ: Trong hằng hà sa số quần áo “sale off”, có thể có nhiều bộ vừa mắt bạn, bạn không biết chọn bộ nào? Hãy nghĩ đến mục đích khi bạn quyết định chọn bộ nào hay nói cách khác là bạn sẽ mặc nó trong dịp nào, đi làm hay đi chơi hay mặc ở nhà, mua cho ai trong gia đình? Tốt hơn hết, trước khi mua hàng nên ghi ra những loại hàng nào mình còn thiếu và cần sắm, kiểu dáng như thế nào.

2. Chọn màu sắc, kiểu dáng không bị lỗi mốt: Hàng giảm giá cuối năm đa số là hàng cũ, hàng lỗi mốt, do đó nếu không khéo lựa chọn thì bạn sẽ rơi vào cảnh mất tiền rước hàng xấu về nhà. Kinh nghiệm là bạn nên chọn những màu sắc, kiểu dáng đơn giản, phổ thông, dễ mặc, đừng ham những kiểu rườm rà.

3. Mua những đồ hay dùng thường xuyên: Những hàng giảm giá thường là hàng tồn kho lâu, do đó nếu ít dùng chúng, bạn không nên chọn. Hơn nữa, đây là cách để bạn tiết kiệm hầu bao cho mình, tránh lãng phí.

4. Mua hàng “có nhãn hiệu” hoặc “cửa hàng uy tín”: Điều này giúp bạn tránh bị “hố” về chất lượng của hàng hóa. Hơn nữa bạn sẽ chắc chắn mức giảm giá đó là thật, không phải chiêu trò tăng giá rồi giảm giá khiến người tiêu dùng tưởng là mua hàng rẻ nhưng thực tế là bằng giá món hàng ở nơi khác. Mặt khác, bạn cũng không phải “lăn tăn” so sánh món hàng giảm giá đó với món hàng cùng mức giá ở nơi khác nhưng là hàng mới chưa “sale off”.

5. Định trước khoản tiền mua sắm: Bạn nên giới hạn khoản chi tiêu cho mua sắm của mình và nên mang theo vừa đủ tiền, đề phòng trường hợp vung tiền quá tay.

6. Mua hàng giảm giá đúng thời điểm: Khi nhãn hàng công bố thời điểm giảm giá, bạn nên sắp xếp thời gian đi mua những ngày đầu để có những mẫu quần áo đẹp nhất.

7. Theo dõi chương trình khuyến mãi thường xuyên: Khi có ý định mua sắm, bạn nên theo dõi xem nhãn hàng đó sắp tới có giảm giá, khuyến mãi không thông qua các kênh truyền thông.

8. Tìm hiểu chính sách đổi trả của cửa hàng: Trước khi mua nên hỏi cửa hàng có đồng ý đổi, trả sản phẩm hay không. Thứ nhất để bạn quyết định có nên mua hay không khi vẫn còn lăn tăn về kiểu dáng, màu sắc. Thứ hai, tránh trường hợp mua về không ưng ý phải đem đổi trả nhưng không được chấp nhận.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần xem xét những món hàng khuyến mãi kèm theo có thật sự cần thiết cho mình hay không và cũng cần tính toán xem mua hàng khuyến mãi có rẻ hơn mua hàng giá gốc mà không kèm theo hàng khuyến mãi.

Thúy Hồng

Từ khóa: