Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Độc đáo nghề làm nhà thờ gỗ truyền thống có giá trị “tiền tỷ”

Từ những khối gỗ thô cứng, ông Nguyễn Văn Minh (57 tuổi, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã dành trọn tâm huyết để tạo nên nhiều sản phẩm mộc thờ cúng sống động và đẹp mắt, đặc biệt là xây dựng hàng trăm nhà thờ gỗ truyền thống có giá trị “tiền tỷ”.

Nhà thờ gỗ là công trình kiến trúc tâm linh.

Nhà thờ gỗ là công trình kiến trúc tâm linh.

Xây dựng nhà từ đường hay nhà thờ họ là công việc trọng đại nhằm thể hiện lòng thành kính của thế hệ con cháu với ông bà tổ tiên đã có công sinh thành và dưỡng dục. Xây dựng công trình thờ tự vốn đã khó, xây dựng nhà thờ bằng gỗ lại càng khó hơn bởi vì đây không đơn thuần là một ngôi nhà mà còn là một công trình tín ngưỡng, nơi linh thiêng của cả gia tộc, dòng họ. Vì vậy, công việc này đòi hỏi người dựng nhà phải có kỹ năng nghề nghiệp cao và am hiểu sâu rộng về tín ngưỡng, tâm linh, phong thủy.

Ở làng Bến Hến (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Xưởng mộc Minh Mít được biết tới là nơi làm nhà thờ gỗ, đồ thờ gỗ nức tiếng gần xa. Chủ xưởng mộc là ông Nguyễn Văn Minh - một người con của quê hương có kinh nghiệm gần 30 năm làm nghề điêu khắc gỗ.

Gắn bó với nghề làm mộc từ khi còn nhỏ, ông Minh sớm được học tập và kế thừa những tinh hoa của nghề mộc truyền thống. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, ông bén duyên với công việc chế tác đồ thờ cúng và xây dựng nhà thờ gỗ. Ban đầu, cơ sở của ông Minh chỉ là một xưởng gỗ nhỏ, chủ yếu làm đồ thờ cúng và bàn thờ gia tiên. Sau này, khi đã xây dựng được uy tín và được khách hàng nhiều nơi tìm đến thì xưởng mộc thuê đất và mở rộng nơi chế tác. Hiện nay, xưởng mộc Minh Mít chuyên sản xuất các loại đồ thờ cúng, sơn son thếp vàng, nhà thờ bằng gỗ, trùng tu nhà thờ gỗ…

Những người thợ ở Xưởng mộc Minh Mít đang thi công hoàn thiện một căn nhà thờ gỗ truyền thống.

Những người thợ ở Xưởng mộc Minh Mít đang thi công hoàn thiện một căn nhà thờ gỗ truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Minh kết hợp thêm một số máy móc hiện đại để quá trình sản xuất có độ chính xác và hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Minh kết hợp thêm một số máy móc hiện đại để quá trình sản xuất có độ chính xác và hiệu quả cao hơn.

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Xưởng mộc Minh Mít là dựng lên hàng trăm nhà thờ gỗ có giá trị nghệ thuật và giá trị tâm linh. Kết hợp cùng với đó là kỹ thuật sơn son thếp vàng tạo nên không gian thờ cúng trang nghiêm và linh thiêng. Từng chi tiết đều được người thợ làng nghề tỉ mỉ điêu khắc, chế tác, sơn son, thếp vàng thể hiện nét đẹp ấn tượng, vừa cổ điển vừa toát lên sự sang trọng, thể hiện tấm lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ghi nhớ công lao sinh thành dưỡng dục các thế hệ.

Được biết, hàng năm ông Minh xây dựng khoảng 40 căn nhà gỗ có ý nghĩa tâm linh cho nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang... Để hoàn thành mỗi căn nhà thờ, ông Minh và đội ngũ thợ mộc sẽ mất từ 2 tháng đến một năm tùy yêu cầu của mỗi công trình. Các bước chủ yếu để dựng nhà thờ gỗ bao gồm: phác thảo ý tưởng, lập kế hoạch dự toán, khảo sát thực tế, thiết kế, chuẩn bị nguyên liệu, chế tác và thi công xây dựng.

Trong xu hướng hiện nay, việc làm nhà thờ tự đã có thể sử dụng bê tông cốt thép nhưng nhà thờ làm bằng gỗ truyền thống vẫn có giá trị khác biệt. Nhờ chất liệu gỗ tự nhiên, trải qua bàn tay thiết kế và chế tác của những người thợ, không gian thờ cúng sẽ mang vẻ đẹp cổ kính, bề thế, uy nghiêm. Cùng với đó, bằng sự nỗ lực làm việc và đầu óc sáng tạo của người thợ mộc những căn nhà gỗ vẫn vẹn nguyên giá trị văn hóa và tâm linh. Không chỉ dựng một ngôi nhà mới, những người nghệ nhân, thợ giỏi còn có thể tu sửa cho các công trình gỗ từ xa xưa. Điều này giúp dòng họ có thể giữ lại được một phần “linh hồn” của gia tộc, đồng thời tiết kiệm chi phí trong quá trình xây dựng.

Quá trình xây dựng nhà thờ gỗ yêu cầu nguồn nhân lực đông và có kinh nghiệm.

Quá trình xây dựng nhà thờ gỗ yêu cầu nguồn nhân lực đông và có kinh nghiệm.

Nhà thờ gỗ được xây dựng đúng cách sẽ có độ bền cao, mang lại vẻ đẹp cổ điển và ẩn chứa nét văn hóa cổ truyền của người Việt từ bao đời nay.

Nhà thờ gỗ được xây dựng đúng cách sẽ có độ bền cao, mang lại vẻ đẹp cổ điển và ẩn chứa nét văn hóa cổ truyền của người Việt từ bao đời nay.

“Trong xã hội hiện đại, để tồn tại và phát triển nghề mộc truyền thống, người làm nghề phải không ngừng tư duy, làm sao vừa giữ gìn giá trị truyền thống nhưng cũng có sự đổi mới phù hợp với thời đại thì mới tạo ra được nét riêng biệt. Mỗi sản phẩm mộc tâm linh cần có nét đẹp riêng biệt, thể hiện thành ý của mọi người với tổ tiên thông qua từng đường nét, họa tiết, hoa văn, chất liệu, kiểu dáng. Tôi mong muốn truyền lại kỹ năng nghề nghiệp và niềm đam mê nghề mộc truyền thống cho các thế hệ sau gìn giữ và phát huy”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Hiện tại, xưởng mộc Minh Mít đang tạo công ăn việc làm cho hơn 40 người thợ lành nghề tại địa phương. Trong tương lai, ông Minh hy vọng sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động, vừa tạo ra nhiều sản phẩm đẹp có giá trị, đồng thời tạo thêm việc làm cho những thợ mộc có tài năng ở địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn thế hệ trẻ đều đang học tập, lao động ở các ngành nghề mới, không quan tâm đến nghề truyền thống do tính chất lao động vất vả. Do đó việc truyền dạy nghề còn nhiều khó khăn, nghề truyền thống cũng đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng không vì thế mà nghề mộc mất đi những giá trị vốn có. Dù việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn nhưng những người làm mộc truyền thống như ông Nguyễn Văn Minh vẫn cố gắng động viên, tạo điều kiện cho con em được học tập và làm việc tại cơ sở. Xưởng mộc Minh Mít là nơi học nghề của người yêu thích nghề mộc, có đam mê với công việc làm gỗ, muốn kiếm thu nhập tốt, vừa có nghề triển vọng để phát triển trong tương lai./.

Hữu Giang
Theo KTĐU

Từ khóa: