Tại Hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội diễn ra hôm nay, 20/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định cam kết với các doanh nghiệp sẽ ổn định lãi suất cho vay ở mức 15%/năm và cố gắng xuống thấp hơn, ít nhất trong 1 năm để các doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Tại Hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội diễn ra hôm nay, 20/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định cam kết với các doanh nghiệp sẽ ổn định lãi suất cho vay ở mức 15%/năm và cố gắng xuống thấp hơn, ít nhất trong 1 năm để các doanh nghiệp có đủ thời gian xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
Chính sách đúng hướng
Hội nghị đã thu hút nhiều ý kiến và kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội về vấn đề lãi suất, tỷ giá, tiếp cận vốn vay...
Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều đánh giá cao việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp giảm lãi suất chỉ trong vài tháng qua. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất của các khoản vay cũ về 15% từ 15/7. Những đợt giảm lãi suất này đã giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vốn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường để sản xuất kinh doanh.
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), hầu hết các khó khăn đã được tháo gỡ tại Nghị quyết 13 của Chính phủ và các chính sách tín dụng như hạ lãi suất…
Ông Sơn cho biết, chỉ trong vòng mấy tháng lãi suất từ 22,5% hồi đầu năm đã xuống 11-13%/năm. Đây là mức lãi suất tương đối phù hợp với doanh nghiệp hiện nay. Ông Sơn cho rằng, tính trung bình lãi suất bình quân 6 tháng đầu năm 2012 thấp hơn cùng kỳ, chỉ có 16% so với 18% của năm ngoái. Nhờ vậy, mức chi phí lãi suất của doanh nghiệp cũng giảm xuống rất nhiều.
Đồng tình với ý kiến của ông Sơn, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Intimex cho biết, hiện Công ty ông đang là khách hàng của Vietcombank, BIDV và MB. Việc tiếp cận vốn đối với những ngân hàng này cũng không quá khó khăn. Ông Nam cũng thừa nhận không "trung thành" với ngân hàng nào cả vì nếu chỉ tập trung vay một ngân hàng nhỡ đâu thời điểm đó họ không có tiền mà các đơn hàng lại đặt rồi thì doanh nghiệp sẽ trở tay không kịp.
Giữ lãi suất 15% ổn định ít nhất một năm
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thống đốc, chi nhánh Hà Nội đã yêu cầu 12 ngân hàng và 8 tổ chức tài chính trên địa bàn tiến hành giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15% từ ngày 15/7.
Ghi nhận tại thời điểm ngày 15/7, các ngân hàng này đã tự động chuyển lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi vay cho 30-50% tổng số các khoản vay có lãi suất trên 15%. Riêng hai ngân hàng BIDV, Vietcombank,VietinBank đã giảm lãi suất về 15% cho 100% các khoản vay. Các ngân hàng còn lại đang tiến hành rà soát, làm việc với khách hàng và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 7. Lãi suất phổ biến với nhóm đối tượng ưu tiên đã giảm về 13-14%.
Tuy nhiên, tại Hội nghị một số lãnh đạo cho rằng, các ngân hàng quốc doanh đã chấp hành nghiêm túc vấn đề này nhưng một số ngân hàng cổ phần vẫn đang "lừng khừng."
Ông Trần Anh Vượng, Tổng Giám đốc Công ty Thép Bắc Việt, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 650 doanh nghiệp trẻ ở Hà Nội chưa nhận được văn bản của ngân hàng về hạ lãi suất cho vay, có chăng chỉ có một vài doanh nghiệp nhận được nhưng phải đến hết tháng 7 mới biết được giảm bao nhiêu vì lãi suất thường trả cuối tháng.
Giải đáp những phản ảnh về việc chậm điều chỉnh lãi suất cho vay xuống 15%, Thống đốc đã thẳng thắn thừa nhận: Ở đâu đó còn có hiện tượng này là có, nhưng cần phải hiểu là dù các ngân hàng đang tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải là “cứu doanh nghiệp bằng mọi giá.”
Phân tích kỹ hơn, Thống đốc cho rằng: Nhiều năm qua do việc kiểm soát tình hình tài chính tương đối cởi mở nên không ít doanh nghiệp sử dụng vốn ngân hàng không đúng mục đích và chưa hiệu quả, khả năng trả nợ khó khăn…. Vì thế, bên cạnh các giải pháp trước mắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo tăng trưởng kinh tế thì cần phải tái cấu trúc cả doanh nghiệp và và ngân hàng.
“Doanh nghiệp nào có điều kiện phát triển tốt, hiệu quả kinh doanh tốt thì vốn của ngân hàng phải tập trung vào đó, có như vậy thì mới tạo ra đồng lực cho nền kinh tế. Với những doanh nghiệp dù có qua khỏi khó khăn nhưng vẫn khó sống trong tương lai thì ngân hàng cũng không nên cứu bằng mọi giá”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết quan điểm.
“Nếu để nói bắt buộc ngân hàng phải hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm theo quy định nào của pháp luật thì không có. Tuy nhiên thông qua đề nghị của Ngân hàng Nhà nước thì hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã cam kết cố gắng để hạ lãi suất ”- Thống đốc cho biết.
Thống đốc cũng cam kết với các doanh nghiệp lãi suất sẽ ổn định ở mức 15%/năm và cố gắng xuống thấp hơn trong ít nhất 1 năm để các doanh nghiệp dự báo được và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị ngay cả những vấn đề cụ thể cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết ngay như với trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn LEXIM (doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy móc thiết bị công trình) phản ánh những bức xúc về quy trình, thủ tục vay vốn “rườm rà” tại chi nhánh của một ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Nội, mặc dù LEXIM có dự án khả thi, có tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp cũng đã có quan hệ với các ngân hàng 11 năm và chưa bao giờ có nợ quá hạn...
Thống đốc Bình trấn an: Hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh rất gay gắt. LEXIM không có nợ quá hạn, ít nhất là khách hàng loại A, mà các ngân hàng đang săn tìm để cho vay. Nếu LEXIM thấy chi nhánh Vietinbank không mặn mà cho vay, hay ngân hàng nào đối xử không tốt thì có thể tìm đến ngân hàng khác." Đồng thời, Thống đốc cũng đề nghị, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên kiểm tra ngay hồ sơ vay vốn này và 2 ngày nữa phải trả lời dứt khoát có cho doanh nghiệp vay hay không?"
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bức xúc, thời điểm này rất khó để vay được vốn trung và dài hạn, như trường hợp của Intimex, ngân hàng và doanh nghiệp đã ngồi cùng với nhau thảo luận xong hợp đồng, hồ sơ vay vốn cũng đã xong hết rồi nhưng đến phút cuối ngân hàng nói hết tiền nên không có để cho vay.
Đối với vấn đề này, theo Thống đốc, thực tế hiện nay nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, dưới 1 năm, do vậy để yêu cầu hệ thống ngân hàng cấp vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp là rất khó khăn. Để có được nguồn vốn phục vụ doanh nghiệp đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ cho phép sử dụng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
“Hiện nay tỷ trọng cho vay trung dài hạn lên tận 42% tổng dư nợ, như thế là các ngân hàng cũng đang vi phạm quy định của ngân hàng Nhà nước,” Thống đốc nhận định.
Để có nguồn vốn trung dài hạn cho ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng chính sách điều hành theo hướng xây dựng đường cong lãi suất, lãi suất trung dài hạn cao hơn ngắn hạn, để hấp dẫn nguồn vốn nhàn rỗi của người dân./.
Theo Vietnam+