Sự kiện hot
3 năm trước

Đón “đại bàng”: Quyết liệt từ chính sách đến hành động

Tiếp tục duy trì sự ổn định môi trường vĩ mô, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài và luôn đảm bảo tính nhất quán, tính ổn định và tính phù hợp của các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô.

Nhiều “đại bàng” đã đến

Làn sóng dịch chuyển đầu tư, đặc biệt của các tập đoàn lớn đã và đang diễn ra vì vô số nguyên nhân (nhu cầu về chiến lược Trung Quốc+1; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng…). Thực tế dù Covid-19 được xem là một trong những “chất xúc tác” thúc đẩy nhanh hơn cho sự chuyển dịch này, nhưng bản thân Covid-19 trong ngắn hạn cũng lại là yếu tố khiến dòng chảy FDI không thể diễn ra mạnh mẽ. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, dòng vốn FDI trên toàn cầu sẽ giảm ít nhất 30% trong giai đoạn 2020-2021 khi việc tìm kiếm hội, xúc tiến đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, hoạt động đi lại giữa các biên giới… hầu như đều bị “tắc” vì Covid-19.

Trong bối cảnh chung đó, mặc dù dòng vốn FDI vào trong năm 2020 cũng bị giảm sút so với các năm trước song Việt Nam vẫn được coi là ngôi sao sáng về thu hút đầu tư.

Khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu  

Trên thực tế năm qua, người ta vẫn thường xuyên được nghe đến tên tuổi của những NĐT mới, hoặc NĐT đã hiện diện ở Việt Nam và quyết định mở rộng thêm sản xuất kinh doanh của họ tại đây. Trong đó, tất nhiên cũng xuất hiện không ít những thương hiệu, tên tuổi lớn.

Có thể kể đến như: Foxconn với các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, đồng thời muốn triển khai các dự án đầu tư, mở rộng khu công nghiệp tại các tỉnh này; Luxshare-ICT với dự án sản xuất thiết bị điện tử tại Bắc Giang; Delta Offshore Energy (Singapore) hợp tác với Bechtel Corporation, General Electric, và McDermott (Mỹ) để triển khai Dự án điện khí từ khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu; Tập đoàn SCG của Thái Lan (dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Tập đoàn Pegatron (Đài Loan, Trung Quốc) triển khai các dự án sản xuất thiết bị điện tử; Tập đoàn Lotte, Hàn Quốc với Dự án Lotte Mall Hanoi; Tập đoàn Logos của Australia triển khai dự án trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, hậu cần; LG mở Trung tâm nghiên cứu tại Đà Nẵng…

Có thể thấy các dự án rất đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực và danh sách có lẽ còn dài, chưa kể nhiều dự án lớn, với quy mô lên tới hàng tỷ USD khác đang trong giai đoạn “bảo mật thông tin”, có thể sẽ sớm công bố trong thời gian tới.

Rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang diễn ra, Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia đang có được những lợi thế rất lớn để thu hút. Vị trí địa chiến lược thuận lợi, chính trị ổn định, nền kinh tế năng động và đã hội nhập sâu rộng, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công vẫn tương đối cạnh tranh, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư mạnh… chỉ là một số trong rất nhiều các lợi thế khi các NĐT nhìn vào “bến đỗ” Việt Nam.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thực sự Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các yếu tố rất thuận lợi cho việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng. “Vấn đề chỉ là chúng ta hiện thực hóa và tận dụng như thế nào”, TS. Thành nói.

Trân trọng cả “đại bàng” và “chim sẻ”

Trong khi đó theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, trước thực tế vừa qua đã có một số tập đoàn lớn đã và đang dịch chuyển, trong đó có vào Việt Nam, nên nếu nói chúng ta chưa đón được các “đại bàng” trong làn sóng dịch chuyển đầu tư hiện nay là chưa đầy đủ và không hoàn toàn chính xác. Còn vì sao các NĐT vào chưa mạnh, chưa nhiều thì ngoài câu chuyện chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 hiện nay, cần phải phân tích về bản chất của sự dịch chuyển.

“Trong đó, quá trình dịch chuyển đòi hỏi phải có thời gian, như phân tích của chúng tôi thì phải mất 2-5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên sự chuyển dịch không thể diễn ra nhanh chóng”, chuyên gia này cho biết.

Ngoài ra, sự dịch chuyển này mang tính đa dạng hóa thị trường, chỉ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng chứ không phải là di dời toàn bộ khỏi Trung Quốc do đây vẫn là thị trường có quy mô rất lớn, vẫn là một điểm đến quan trọng do Trung Quốc có cơ sở hạ tầng, logistics, công nghiệp phụ trợ tốt, đội ngũ công nhân lành nghề, cũng như hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, châu Âu… và quy mô sản xuất lớn.

“Thế nên một mặt chúng ta không nên quá kỳ vọng là sự dịch chuyển phải diễn ra ngay, diễn ra mạnh hay dịch chuyển theo hướng dồn hết vào Việt Nam nhưng mặt khác, rõ ràng sự dịch chuyển là có và Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút”, TS. Cấn Văn Lực nói và nêu ví dụ: “Như thông tin gần đây trong số 30 DN Nhật Bản muốn dịch chuyển thì có tới 15 DN muốn vào Việt Nam”.

Nhưng trong số đó thì chúng ta cũng cần chú ý là chỉ có 40% là DN lớn, còn 60% là DNNVV. “Thế nên, nếu ta đòi hỏi “đại bàng” theo nghĩa chỉ có DN nước ngoài lớn vào là chưa đầy đủ. Sự dịch chuyển ấy sẽ luôn có cả DN lớn và nhỏ, hay nói một cách hình ảnh là sẽ có cả “đại bàng” và “chim sẻ” và cần trân trọng cả hai chứ không nên phân biệt”, TS. Lực nói. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, tất nhiên chúng ta phải thực hiện đúng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài có sàng lọc, lựa chọn và theo hướng chất lượng, công nghệ cao, kết nối lan tỏa với khu vực trong nước và đảm bảo được các yếu tố về môi trường.

Đừng tự so với chính mình

Nếu chỉ so với chính mình, có thể tự tin khẳng định các cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã tốt hơn, minh bạch và rõ ràng hơn trước đây rất nhiều. Nhưng như thế là chưa đủ, bởi chỉ cần “liếc” mắt sang các nước trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, hay thậm chí như Myanmar… họ cũng “không ngừng nghỉ” trong cuộc đua thu hút làn sóng chuyển dịch này.

Theo một nghiên cứu gần đây của TS. Cấn Văn Lực và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 5 công cụ chính sách chính đang được các nước sử dụng trong thu hút FDI gần đây gồm: Thuế, đất đai, cung cấp các gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề, đưa ra các biện pháp tăng rào cản nhằm ngăn chặn tình trạng thâu tóm trong 1 số lĩnh vực, và các nhà lãnh đạo cấp cao vào cuộc đưa cam kết mạnh mẽ về việc tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Khi nhắc đến vấn đề này, chợt nhớ tới câu chuyện mà ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng gần đây. Vị này cho biết trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhất trong năm 2020, Indonesia vẫn cử Bộ trưởng Bộ Công nghiệp với một chuyên cơ sang Hàn Quốc để gặp, làm việc trực tiếp với các lãnh đạo của DN. Tổng thống Indonesia cũng đã trực tiếp nêu ra những cam kết về những ưu đãi rất lớn dành cho các NĐT… Những hành động quyết liệt như vậy đã giúp quốc gia này thu hút được nhiều dự án đầu tư FDI lớn trong năm qua.

“Thực tế thời gian qua Việt Nam cũng rất nỗ lực để thu hút các NĐT lớn, với những thay đổi mạnh và tích cực, cũng như có rất nhiều ưu điểm như đã khống chế rất tốt dịch Covid-19 nên các NĐT đã nhìn thấy những điều đó”, ông Hong Sun nói. “Tuy nhiên, lúc này không còn là cạnh tranh trong nước giữa các tỉnh, các địa phương với nhau mà là cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. Hãy nhớ với các NĐT, kinh doanh ở đâu sinh lợi và an toàn thì họ sẽ đến, đấy là mục tiêu của họ”, Phó Chủ tịch Korcham nhận định.

Như vậy, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là vì sao chưa đón được “đại bàng” mà phải làm sao để đón được nhiều “đại bàng” hơn, với cách làm chủ động để thu hút được những “đại bàng” thực sự chất lượng, gắn kết với Việt Nam lâu dài.

Theo TS. Cấn Văn Lực, quan trọng nhất là trước mắt cần tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, đồng thời sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt là cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng… Cùng với đó, cần tinh gọn hơn nữa quy trình, thủ tục về đầu tư nước ngoài gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất…

Về trung và dài hạn, tiếp tục duy trì sự ổn định môi trường vĩ mô, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài và luôn đảm bảo tính nhất quán, tính ổn định và tính phù hợp của các cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách về đất đai, thuế, lao động, điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng, thúc đẩy phát triển nhanh hơn công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng được nhu cầu của NĐT, DN hoạt động theo chuỗi trong và ngoài nước; Có chiến lược dài hạn về cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, từ đó có lộ trình thực hiện từng năm (thay vì làm từng năm như hiện nay), gắn với đơn giản hóa, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính... để các NĐT nước ngoài yên tâm xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Đỗ Lê
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: