Sự kiện hot
12 năm trước

Đón khách du lịch Trung Quốc: O ép, bớt xén trắng trợn

Từ mấy năm trở lại đây, thông thường người dân Trung Quốc đến Việt Nam du lịch họ mua tour với giá khá cao, nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam họ lại bị ngay chính doanh nghiệp nước mình bớt xén trắng trợn

Từ mấy năm trở lại đây, thông thường người dân Trung Quốc đến Việt Nam du lịch họ mua tour với giá khá cao, nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam họ lại bị ngay chính doanh nghiệp nước mình bớt xén trắng trợn

Kể từ năm 2005, sau khi phía Trung Quốc dừng cấp thông hành  cho công dân sang du lịch Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái thì lượng khách sử dụng hộ chiếu vào du lịch Việt Nam qua cửa khẩu này bắt đầu được thực hiện. Số lượng người Trung Quốc qua cửa khẩu này bằng hộ chiếu dán visa tăng liên tục. Năm 2011 đón được 85.652 lượt khách, 6 tháng đầu năm 2012 đón được 60.577 lượt khách.

 Ăn chặn trắng trợn

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc tại địa bàn Quảng Ninh gần đây lượng khách vào nhiều nhưng tình hình thực hiện đón khách đang diễn ra lộn xộn và hết sức phức tạp. Theo thống kê, tại cửa khẩu Móng Cái hiện nay có khoảng 40 doanh nghiệp tổ chức đón khách du lịch Trung Quốc trong đó có 28 doanh nghiệp nằm trong Câu lạc bộ lữ hành Móng Cái và hơn 10 doanh nghiệp khác.

Thế nhưng, theo một số  doanh nghiệp phản ánh thì tình trạng kinh doanh đón khách du lịch tại đây đang rất hỗn loạn. Ông Nguyễn Thế Huệ, Giám đốc Công ty Du lịch Dich vụ Hữu Nghị bức xúc nói:  “Nhiều doanh nghiệp lách luật cung cấp dịch vụ cho khách theo tour không trọn gói theo kiểu ăn, nghỉ, vận tải, móc nối với nhà hàng khách sạn, công ty vận tải không lấy hóa đơn VAT nhằm mục đích trốn thuế. Một số doanh nghiệp còn “khoán trắng” cho các chi nhánh, các văn phòng đại diện, hướng dẫn viên tự khai thác trái với quy định của nhà nước.”

 Cũng theo ông Huệ, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam còn liên kết với các đối tác Trung Quốc để đối tác tự điều hành tour, tự đặt tàu, xe, khách sạn, thậm chí dùng hướng dẫn viên  Trung Quốc “núp bóng” dẫn khách tại địa phận Việt Nam. Một số trường hợp hướng dẫn viên Trung Quốc còn tổ chức bán hàng lưu niệm ngay trên xe, gây ra sự hỗn loạn về giá, buộc các doanh nghiệp khác phải đón khách theo giá thấp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi một thực tế khác đang diễn ra dài, đó là các hướng dẫn viên phía Trung Quốc từ các Công ty Du lịch Bắc Hải câu kết với một số đối tượng tại Đông Hưng, Trung Quốc đi theo đoàn với danh nghĩa là trưởng đoàn sang Việt Nam bắt ép khách phải vào hai cửa hàng là: Cửa hàng Gia Lợi và Cửa hàng Đông Phương (hai cửa hàng này do người Trung Quốc thuê mặt bằng bán tại, Móng Cái, Quảng Ninh-pv) để mua hàng với giá cao gấp từ 10 tới vài chục lần giá trị thực tế với chiêu bài lừa dối khách rằng đó là cửa hàng miễn thuế của Việt Nam. Sự việc diễn ra ngang nhiên trước mắt các hướng dẫn viên Việt Nam và  nhân viên điều hành của các doanh nghiệp Việt Nam khi họ đóng vai trò là doanh nghiệp đưa đón khách.

Từ mấy năm trở lại đây, thông thường người dân Trung Quốc đến Việt Nam du lịch họ mua tour với giá khá cao, nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam họ lại bị ngay chính doanh nghiệp nước mình bớt xén trắng trợn trong khi đó nắm bắt được sự cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam nên đã ép các doanh nghiệp Việt Nam nhận khách với giá tour thấp khoảng 220 – 250 NDT/ khách (khoảng 750 ngàn đến 850 ngàn đồng) cho tour 4 ngày 3 đêm, trong khi đó doanh nghiệp Trung Quốc đã bớt của người dân họ khoảng 250 – 270 NDT.

 Cơ quan chức năng nói gì?

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lữ hành ở đây thì, sở dĩ tình trạng này “qua mặt” doanh nghiệp Việt, bởi bên Trung Quốc có một quy định “ bất thành văn” rằng: nếu Việt Nam không đồng ý phía Trung Quốc sẵn sang cắt tour và “bùng” luôn số tiền gửi khách và hủy hợp đồng giao khách cho lần sau.

Trước thực trạng này, gần đây, TCDL, Cục cửa khẩu Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cục Quản lý XNC Bộ Công an đã có văn bản chấn chỉnh trật tự kinh doanh du lịch tại Quảng Ninh. “Các ý kiến trong nội dung công văn trên đây đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để, tình trạng đón khách vấn diễn ra lộn xộn và có phần gia tăng nguy cơ phức tạp hơn.”- ông Huệ nói.

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho rằng, tình trạng phá giá của một số doanh nghiệp lữ hành ở Móng Cái không chỉ tác động đến chất lượng, hình ảnh Du lịch Quảng Ninh mà còn tạo trào lưu phát triển du lịch theo số lượng, đi ngược lại với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trinh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, do cả ý thức của doanh nghiệp lẫn cơ chế chính sách quản lý. Các doanh nghiệp lữ hành không tuân thủ nghiêm các quy định kinh doanh lữ hành, buông lỏng quản lý; do nhiều doanh nghiệp cùng tham gia đón khách trên một thị trường; ý thức - nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế. Một nguyên nhân khác nữa là do doanh nghiệp lữ hành phía Trung Quốc đã thao túng thị trường, đưa ra các điều kiện bất lợi cho phía doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với công tác phối kết hợp giữa ban ngành chức năng chưa kịp thời và thống nhất; quy định của pháp luật có điểm chưa phù hợp với thực tế. Nhiều doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh nên công tác thanh, kiểm tra còn gặp khó khăn. Điều kiện, tiêu chí để cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế còn đơn giản và thấp.

Giải pháp cho tình trạng này ông Thanh cho biết có thể thời gian tới Sở VHTTDL Quảng Ninh sẽ kiến nghị UBND tỉnh giao cơ quan thuế tiến hành tổ chức thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trước tình trạng này thì “cực chẳng đã” mới đây một số doanh nghiệp trong Câu lạc bộ lữ hành Móng Cái đã liên kết lại đồng loạt không đón khách và yêu cầu phía đối tác Trung Quốc phải điều chỉnh giá dịch vụ khi mua tour của Việt Nam.

Theo Datviet

Từ khóa: