Sự kiện hot
12 năm trước

Đông Bắc Thái Lan và miền Trung Việt Nam hợp tác vì lợi ích chung

Đông Bắc Thái Lan đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho việc trao đổi dòng du khách trung lưu Thái – Việt đi theo các tour du lịch bằng ô tô qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Nắm bắt xu thế này, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế, một chuyến famtrip kết nối gần 160 đơn vị lữ hành, khách sạn miền Trung với các đơn vị lữ hành du lịch Thái Lan đã được diễn ra vào những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, mở thêm nhiều cơ hội cho sự hợp tác phát triển giữa hai vùng.

Đông Bắc Thái Lan đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho việc trao đổi dòng du khách trung lưu Thái – Việt đi theo các tour du lịch bằng ô tô qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Nắm bắt xu thế này, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế, một chuyến famtrip kết nối gần 160 đơn vị lữ hành, khách sạn miền Trung với các đơn vị lữ hành du lịch Thái Lan đã được diễn ra vào những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, mở thêm nhiều cơ hội cho sự hợp tác phát triển giữa hai vùng.

ẤN TƯỢNG ĐÔNG BẮC THÁI LAN

Chúng tôi đã có chuyến đi 5 ngày 4 đêm từ TP. Huế xuyên qua các tỉnh Đông Bắc Thái Lan trong niềm vui khám phá, giao lưu để hiểu hơn về vùng đất có hơn 50 ngàn Việt kiều đang sinh sống.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là những con đường thẳng tắp, sạch sẽ được tráng nhựa phẳng lỳ và xe chạy băng băng 100km/h trên 4 làn đường được phân định rạch ròi. Nhờ những chuyến xe tốc hành này mà chúng tôi kịp tham quan các địa điểm tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Thái Lan có đến 90% dân số theo đạo Phật, nên chùa có mặt khắp nơi trên dất nước này. Chúng tôi đã ghé thăm ngôi chùa được dát vàng trên đỉnh, ngôi chùa mà đức vua đã từng đến tu trước khi lên ngôi như chùa ThatPhanom, chùa PhoChay, tháp Xá Lợi Phật, điện thờ KeaoKu…

Nhưng có lẽ ấn tượng thuyết phục nhất đối với chúng tôi là cách “lấy tiền” du khách của người Thái. Tất cả các địa điểm chúng tôi đi qua đều không bán vé, trong đó có cả một trang trại rắn tại NakhonPhanom với những diễn viên đầy chuyên nghiệp múa cùng rắn, nô đùa cùng rắn, biểu diễn những thao tác nguy hiểm. Tuy nhiên, ho đã lén chụp ảnh du khách, và đó là những bức ảnh rất đẹp khiến du khách phải vui vẻ móc túi chi tiền để lấy ảnh. Với những chiếc khăn đẹp mắt, những chiếc áo tinh xảo, những chiếc giỏ xách thủ công bắt mắt, những đồ lưu niệm ấn tượng… họ “moi” tiền từ chúng tôi rất dễ dàng. Và cũng phải nhắc đến sự thân thiện của người dân nơi đây. Qua các tỉnh thành từ Mucdahan đến Nakhonphanom, Udonthani, Khonken… chúng tôi lang thang phố đêm, cửa hiệu, hàng quán vỉa hè, chọn món này mua món kia nhưng có lúc không mua, thế mà vẫn nhận được nụ cười niềm nở của những người bán hàng. Nhiều khi vì sự thân thiện này chúng tôi lại bị “móc túi” với cái chặc lưỡi thôi hãy mua làm quà.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC

Trong vài năm trở lại đây, lượng khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam nói chung, các tỉnh miền Trung nói riêng thông qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng trị) luôn nằm ở vị trí dẫn đầu trong các nguồn khách quốc tế.

Có thể nói, hiện tại mức chi tiêu của khách Thái khá thấp so với du khách các nước khác nhưng với số lượng đông, đều vào các mùa nên các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn miền Trung đang lấy nguồn khách Thái làm chủ lực cho việc cân đối nguồn khách.

Chuyến famtrip giao lưu hợp tác giữa Du lịch miền Trung đến tỉnh Udonthani do
Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức

Ngược lại, du khách Việt Nam cũng đang là “nguồn sống tốt” cho du lịch Thái. Ông Cao Chí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Vitour cho biết: Theo thống kê, hiện tại lượng khách Việt Nam đến Thái Lan đang cao hơn số khách Thái Lan tham quan Việt Nam. Nhưng chủ yếu khách đi bằng đường hàng không theo tuyến Bangkok – Chiangmai - Pattaya… nhiều hơn là đi tuyến Đông Bắc Thái Lan bằng ô tô. Vì thế, việc tăng cường giao lưu hợp tác giữa hai vùng Đông Bắc Thái Lan và miền Trung Việt Nam là một chính sách hợp lý, giúp hai bên cùng hưởng nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, có một thực tế mà các công ty lữ hành khai thác thị trường Thái Lan luôn trăn trở. Thời gian gần đây, khách Thái qua đường bộ đến miền Trung tăng lên nhiều, gấp đôi, gấp ba so với trước năm 2005. Tuy nhiên, một thực tế còn tồn tại là các địa phương, các doanh nghiệp du lịch cứ mạnh ai nấy làm trong việc tìm kiếm nguồn khách, làm hạn chế sự phát triển của Du lịch miền Trung Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ tất cả các công ty lữ hành khai thác thị trường Thái Lan đều phải gia nhập Hiệp hội lữ hành khai thác khách Thái, nếu không đơn vị đó sẽ không thể khai thác thị trường này. Ngoài ra, cần có những biện pháp, chính sách hỗ trợ cho các công ty trong hiệp hội, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, “cá lớn nuốt cá bé”.

Nếu giải quyết được vấn đề cạnh tranh giữa các hãng lữ hành trong nước thì vẫn chưa đủ, vì khi đưa khách Việt Nam qua Đông Bắc Thái Lan doanh nghiệp Việt Nam lại gặp khá nhiều khó khăn bởi giá thành tour bị đẩy cao. Anh Lê Văn Quốc – Giám đốc Công ty lữ hành Xanh Việt cho biết: khách Việt Nam qua Thái đều phải để xe ô tô tại cửa khẩu Lào và qua đến đất Thái thì buộc phải thuê xe ở đây (do khác biệt về tay lái giữa hai nước). Nhưng ở vùng Đông Bắc Thái chỉ có hai loại xe: xe nhỏ 4-7 chỗ, xe lớn 50 chỗ. Trong khi đó, khách Việt Nam khai thác qua Thái đa phần chỉ tầm 20 - 30 người một đoàn, nếu buộc phải thuê xe lớn thì phải chịu mức giá khá đắt. Vì vậy, rất cần sự hợp tác giữa du lịch hai vùng để có những chính sách hỗ trợ về giá nhằm đẩy mạnh việc thu hút khách du lịch hai nước.

Ông Nguyễn Quốc Thành – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Thông qua những chuyến famtrip như thế này, các doanh nghiệp lữ hành miền Trung có cơ hội khảo sát, giới thiệu các tour du lịch vùng Đông Bắc Thái Lan hấp dẫn đến du khách Việt Nam, cũng như tạo tiền đề cho các doanh nghiệp lữ hành miền Trung hợp tác với các doanh nghiệp vùng Đông Bắc Thái Lan trong việc đưa khách Việt Nam đến tham quan các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan theo tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây”.

Có thể nói, việc đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển chung luôn là vấn đề nóng hổi. Bà Pattamat Wongpattanasiri, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch vùng Đông bắc Thái  Lan thừa nhận, việc đẩy mạnh kết nối, cùng hợp tác phát triển và sử dụng các tuyến đường xuyên Á trên trục hành lang Đông - Tây như là con đường “du lịch sinh thái” sẽ mở ra những cơ hội lớn để phát triển du lịch cho 2 vùng.

Thời gian qua, Du lịch miền Trung và Đông Bắc Thái Lan liên tục có nhưng chuyến roadshow, hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch, tìm ra những khó khăn trong hợp tác để cùng giải quyết. Mong rằng nỗ lực của cả hai phía sẽ thật sự đem lại hiệu quả như kế hoạch mà Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch Thái Lan đặt ra, đó là đến năm 2015, lượng khách đi lại hai nước phấn đấu đạt con số 1 triệu lượt khách, gấp hơn 3 lần so với năm 2009.

Minh Hạnh
Theo Tapchidulich

Từ khóa: