Tại các chợ và một số cửa hàng ở Hà Nội, đồng hồ nhái “cộp mác” chính hãng được rao bán nhan nhản, với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Đồng hồ fake bày bán tràn lan trên thị trường, được nhiều nơi giới thiệu là hàng chính hãng. Giá của những sản phẩm này đủ loại, từ siêu rẻ, rẻ, đến cao ngất ngưởng cũng có.
Nhiều loại đồng hồ của các thương hiệu nổi tiếng được bày bán la liệt trong tủ kính tại chợ. (Ảnh: Hương Nguyễn).
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các chợ như Đồng Xuân, Phùng Khoang hay chợ Nhà Xanh nhiều loại đồng hồ nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Rolex, Omega, Patek Philippe, Longines, Piaget v.v… bày bán phổ biến, với giá vài chục nghìn đến gần 1 triệu đồng/chiếc.
Nhiều loại đồng hồ có nhãn mác của các thương hiệu có tiếng nhưng giá bán chỉ vài chục nghìn, như loại đồng hồ Casio điện tử fake, chỉ có giá 30.000 đồng.
Theo chia sẻ của người đi buôn đồng hồ, giá mua các loại đồng hồ này sẽ có hai loại: Giá buôn và giá lẻ, lấy buôn sẽ được giảm 50.000 đồng so với giá mua lẻ.
Không chỉ được bày bán trong tủ kính mà còn gói túi nilon treo ở giá. (Ảnh: Hương Nguyễn).
Chị Trần Minh Hạnh, tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, cho biết: "Đa phần khách tới đây mua đều biết đây không phải hàng chính hãng. Tuy nhiên, chất lượng và mẫu mã không hề thua kém nên vẫn chấp nhận mua, cửa hàng tôi có nhiều loại cả chính hãng hay hàng fake".
"Rolex, Omega, Patek Philippe, Longines, Piaget… cái gì tôi cũng có. Giá bán theo cặp là 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, mua lẻ thì có giá 600.000 một chiếc. Mẫu Omega rất nhiều người đeo, đảm bảo nhìn giống y như hàng thật, ai thích kiểu gì tôi cũng có kiểu đó", một chủ cửa hàng đồng hồ quảng cáo.
Theo khảo sát, giá bán những chiếc đồng hồ tại đây chỉ bằng 1/10 giá hàng chính hãng. Như đồng hồ Daniel Wellington nam có giá 5,2 triệu đồng, tại các chợ Hà Nội có giá 520.000 đồng bán sỉ và gần 600.000 đồng giá lẻ.
Mẫu đồng hồ WD chính hãng có giá 5,2 triệu đồng. (Ảnh chụp màn hình).
... nhưng được bán tại chợ với giá khoảng 600.000 đồng, bằng 10% so với giá hàng chính gốc, các chi tiết trên đồng hồ được làm giả rất tinh vi (Ảnh: Hương Nguyễn).
Bên cạnh hàng fake, nhiều loại đồng hồ nhái được "cộp mác" đồng hồ chính hãng Rolex (Thụy Sĩ), Omega (Thụy Sĩ), Patek Philippe (Thụy Sĩ), Longines (Thụy Sĩ), Breitling (Thụy Sĩ), TAG Heuer (Thụy Sĩ), Piaget (Thụy Sĩ), Cartier (Pháp), Montblanc (Đức), Breguet (Thụy Sĩ)… tnhưng các "siêu phẩm" này chỉ có giá… hơn 1 triệu đồng/chiếc.
Chủ các gian hàng bán đồng hộ tại chợ cũng cam đoan bảo hành chống nước, pin bền không thua kém hàng chính hãng.
Nhập vào chỉ 100.000 đồng/chiếc nhưng tùy khách và tùy dòng đồng hồ, người bán có thể nhìn mặt người mua mà hét giá lên tới 4 - 8 triệu đồng. Một vốn 40 lời, họ kinh doanh hàng giả bất chấp bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính từ 5 đến 50 triệu đồng mỗi lần kiểm tra.
Biết không phải hàng "xịn" nhưng các loại đồng hồ "cộp mác" lại được nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng chủ động chọn mua đồng hồ giả, bởi tâm lí ham của rẻ, muốn sở hữu đồng hồ có tiếng.
Đồng hồ fake bán tại các chợ vẫn được nhiều khách tìm mua. (Ảnh: Hương Nguyễn).
Đồng hồ được làm giả ngày một tinh vi, khó phân biệt được bằng mắt thường nên người tiêu dùng càng không ngại sử dụng.
Ông Đỗ Văn Phái (Nhật Tân, Hà Nội), chia sẻ: "Tôi làm việc văn phòng, thu nhập vừa phải, không có đủ khả năng mua những loại đồng hồ chính hãng đắt tiền, có cái xem giờ là đủ nên tôi đã ra chợ Đồng Xuân mua".
Thị trường đồng hồ Việt Nam bát nháo về nguồn gốc
Trong nhận định sơ lược về thị trường đồng hồ, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng thông tin với dân số hơn 90 triệu người, thị trường đồng hồ tại Việt Nam có quy mô ước khoảng 17.000 tỉ đồng (gần 750 triệu USD), nhưng rất phân mảnh và bát nháo về nguồn gốc sản phẩm.
"Tại Việt Nam, chỉ có một số ít các cửa hàng bán lẻ và trung tâm bảo hành được ủy quyền từ các hãng đồng hồ. Nhu cầu lớn với nguồn cung hạn chế dẫn đến các sản phẩm giả xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đây một vấn đề tồn tại lâu dài trong ngành đồng hồ", chuyên gia VDSC nhận định.
Trong một hội nghị cuối năm 2017, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), từng thẳng thắn nhận định thực trạng tình kinh doanh đồng hồ tại Việt Nam có đến 80-90% là hàng giả.
Thực tế, nhận định này là có cơ sở, bởi thông qua kiểm tra, cơ quan quản lí thị trường tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh đồng hồ giả, đồng hồ kém chất lượng, các loại đồng hồ nhái đang làm rất tinh vi, nếu không có chuyên môn rất khó phát hiện ra các loại đồng hồ nhái này.
Theo ĐSPL, Vietnammoi