Sự kiện hot
3 năm trước

Dòng tiền vào bất động sản đang mạnh lên

Hiện trên thị trường, số lượng giao dịch giảm, nhưng tổng tiền đổ vào thị trường đầu tư, mua sắm bất động sản lại đang có dấu hiệu mạnh lên.

Từ đầu quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid lần thứ 4. Đợt dịch lần này đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp nên dù lượng cung mới hạn chế nhưng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ các năm 2019, 2020. Các sản phẩm chào bán đa phần là hàng tồn từ trước. Hiện trên thị trường, số lượng giao dịch giảm, nhưng tổng tiền đổ vào thị trường đầu tư, mua sắm bất động sản lại đang có dấu hiệu mạnh lên.

dong tien vao bat dong san dang manh len
Nhiều phân khúc BĐS đang được tung ra thị trường

Cùng với đó, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện khoảng 2/3 tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản là vay mua nhà, đổi nhà, số còn lại là đầu tư và kinh doanh bất động sản. Trong 5 tháng đầu năm, có 3500 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được thành lập, tăng 57% về số doanh nghiệp và tăng 20% về số vốn đăng ký tạo ra 23.000 công ăn việc làm. Khoảng 720 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng khoảng 19%. Tuy nhiên, cũng có khoảng 935 doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Một nguồn nữa đổ vào bất động sản là vốn FDI. Tính đến hết tháng 5, tổng vốn đăng ký mới vào lĩnh vực bất động sản là khoảng 740 triệu USD, chiếm 10,6% tổng vốn đăng ký và đứng thứ 3 về các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng cho biết, còn có nguồn vốn phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 57.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 44% tổng số phát hành trái phiếu toàn thị trường, TS. Cấn văn Lực cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, dòng tiền ngoài thị trường bất động sản đang chảy vào thị trường bất động sản gồm: Thu lợi từ thị trường chứng khoán; kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới, chảy về Việt Nam để đầu tư bất động sản. Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động vì dịch bệnh nên chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn… Tất cả đã dẫn đến tổng lượng tiền sẵn sàng thanh toán mua bất động sản tăng, làm tổng cầu bất động sản tăng.

Đại diện Bộ Xây dựng chia sẻ, các chỉ số cơ bản của thị trường bất động sản như nguồn cung, lượng giao dịch, lượng vốn đầu tư, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp hiện vẫn duy trì ổn định. Thời gian qua, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng mạnh mẽ vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và còn nhiều cơ hội phát triển.

Theo thống kê từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 3.000 tỷ đồng trong đó, thu từ chuyển nhượng bất động sản khu đô thị Phước Hưng của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Long Hưng (Đồng Nai) là 2.268 tỷ đồng; Công ty Thành phố Xanh 250 tỷ đồng; Dự án bất động sản New Vision 336 tỷ đồng; Tập đoàn Bitexco 110 tỷ đồng... Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ, thời gian qua, nguồn cung hàng hóa trên thị trường vẫn có dấu hiệu giảm. Nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản khá dồi dào, trong khi nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao. Và cũng chính hiện tượng cầu lớn, hàng khan, giá tăng mạnh đã thành cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, lực cầu thị trường trở lại ở mức thấp trong quý III/2021 và tăng mạnh trở lại ở quý IV/2021. Tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70 – 80% so với năm 2020. Phân khúc căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%. Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư. Đặc biệt, những dự án có pháp lý tốt, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ được hấp thụ tốt.

Hải Yến
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: