Phiên ngày 29/8, đồng bạc xanh nhích nhẹ so với đồng yen trên thị trường châu Á, một phần do các nhà nhập khẩu Nhật Bản thường có xu hướng mua vào USD trước khi kết thúc một tháng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: kforex.com)
Cụ thể, chiều 29/8 tại Tokyo, đồng USD được giao dịch ở mức 103,82 yen/USD, so với mức 103,70 yen/USD lúc đầu phiên và 103,75 yen/USD ở New York phiên 28/8. Trong khi đó, đồng euro đứng ở mức 136,74 yen/euro và 1,3171 USD/euro.
Trước đó, thị trường đã chuyển hướng sang đồng nội tệ Nhật Bản - được coi như một kênh đầu tư an toàn tại thời điểm bất ổn - sau khi Đại sứ Ukraine tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Ihor Prokopchuk cáo buộc Nga có hành động "xâm phạm trực tiếp" lãnh thổ Ukraine.
Ông Daisaku Ueno, chiến lược gia hàng đầu về ngoại hối của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, nhận định các diễn biến ở Ukraine có khả năng sẽ nới rộng đà giảm giá của đồng USD sâu hơn so với đồng yen.
Nhân tố địa chính trị dường như lấn át các số liệu kinh tế mới công bố của Mỹ và Nhật Bản. Thống kê quý 2 cho thấy “siêu cường” kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 4,2%, vượt con số công bố trước đó là 4,0%.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản lại có dấu hiệu giảm tốc trong tháng Bảy, làm dấy lên nhiều quan ngại về những tác động tiêu cực của đợt tăng thuế tiêu dùng đối với nhịp độ tăng trưởng của kinh tế nước này.
Cũng trong phiên ngày 29/8 tại Tokyo, đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như đồng SGD Singapore, đồng baht Thái, đồng rupiah Indonesia, đồng won Hàn Quốc, đồng peso Philippines, đồng TWD Đài Loan và đồng rupee của Ấn Độ.
Mai Ly
theo Vietnam+