Theo kết quả điều tra về tình hình tài chính quốc tế do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), dòng vốn quốc tế trong những tháng đầu năm 2017 có xu hướng tăng nhẹ do những chao đảo trên các thị trường tài chính có xu hướng lắng dịu đã tạo thuận lợi cho việc nới lỏng điều kiện cho vay.
Tín dụng quốc tế tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2017 (Ảnh minh hoạ)
Tín dụng quốc tế tăng cao trong những tháng đầu năm
Kết quả điều tra cho thấy, từ đầu năm 2017 tín dụng quốc tế (bao gồm cho vay qua biên giới và tín dụng ngoại tệ ở trong nước) tiếp tục tăng. Đến cuối quý I/2017, tổng dư nợ của loại hình tín dụng này đạt 32 nghìn tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong những quý gần đây, tăng trưởng tín dụng quốc tế được dẫn dắt bởi tín dụng phi ngân hàng, liên tiếp đạt kết quả tăng trưởng dương trong ba năm qua. Điều này đã hỗ trợ hoạt động cho vay liên ngân hàng với kết quả tăng trưởng dương trong quý I/2017, lần đầu tiên kể từ quý I/2015.
Tại các nước mới nổi, tín dụng dưới dạng USD tiếp tục tăng, đạt 3,4 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2017, chủ yếu thông qua phát hành chứng khoán. Đứng đầu là châu Phi và khu vực Trung Đông (59 tỷ USD), nhất là trái phiếu chính phủ tại các nước xuất khẩu dầu mỏ. Tiếp đến là các nước mới nổi tại châu Á (39 tỷ USD) và Mỹ Latinh (19 tỷ USD). Trái lại, tín dụng USD tại các nước mới nổi châu Âu giảm tới 25 tỷ USD (tính từ cuối tháng 9/2016 đến cuối tháng 3/2017).
Tăng tỷ trọng vay vốn qua phát hành trái phiếu
Liên quan đến tình hình vay nợ của các quốc gia, nợ chính phủ tại các nước mới nổi đã lên tới 11,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2016, tăng trên ba lần so với cuối năm 2007. Trong đó, tới 8 nghìn tỷ USD tập trung tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Nếu so với GDP, nợ chính phủ tăng từ 41% lên 51%.
Tuy nhiên, cơ cấu nợ chính phủ đã có sự thay đổi đáng kể. Khi nợ nần tăng cao, chính phủ các nước mới nổi đã tăng cường vay vốn trong nước và thông qua thị trường trái phiếu quốc tế. Tỷ trọng vay vốn thông qua phát hành trái phiếu tăng trung bình từ 62% trong năm 2002 lên 80% trong năm 2016, chủ yếu là phát hành trong nước dưới dạng bản tệ, với kỳ hạn dài nhưng lãi suất cố định.
Trong mẫu điều tra tiến hành tại 23 nước mới nổi hàng đầu, nợ chính phủ dưới dạng ngoại tệ chỉ chiếm 14% vào cuối năm 2016 trong tổng số 4,4 nghìn tỷ USD, ghi nhận mức giảm sâu từ tỷ trọng 32% vào cuối năm 2001. Trong đó, trên 90% nợ chứng khoán quốc tế dưới dạng USD và euro, riêng tỷ trọng USD tăng từ 65% vào cuối năm 2007 lên 75% vào cuối năm 2016.
Tổng dư nợ trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm mạnh, cả trái phiếu dưới dạng bản tệ và ngoại tệ, khi nhiều nước nỗ lực hạn chế hình thức vay mượn này trong những năm gần đây. Trong tổng dư nợ trái phiếu quốc tế 56 tỷ USD của chính quyền trung ương, tới 37 tỷ USD phát hành dưới dạng USD. Tính đến cuối năm 2016, có 56% lượng trái phiếu trong nước được phát hành dưới dạng USD (41 tỷ USD), tăng gấp đôi so với năm 2007.
Thời hạn nợ chính phủ tăng nhanh
Liên quan đến nợ chính phủ tại các nước mới nổi, một xu hướng phát triển đáng quan tâm là thời hạn nợ tăng nhanh, nhiều nước đã chạm ngưỡng tương đương so với tại các nước phát triển. Kết quả điều tra tại 23 quốc gia cho thấy, thời hạn trung bình của trái phiếu nợ chính quyền trung ương vào khoảng 7,7 năm, trong khi kỳ hạn này tại các nước phát triển là 8 năm.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến xu hướng tăng kỳ hạn nợ tại một số nước là do chính phủ sử dụng các mức lãi suất cố định khi phát hành nợ, tới 75% vào cuối năm 2016, tăng từ 60% vào cuối năm 1999. Trong thời gian này, tỷ trọng này tại các nước phát triển giảm từ 94% xuống 90%.
Trên toàn cầu, việc phát hành chứng khoán nợ cũng thay đổi theo hướng gắn với yếu tố lạm phát. Trong đó, một số nước tăng cường áp dụng chỉ số lạm phát. Các chính phủ Mexico và Brazil thay thế phát hành dựa trên tỷ giá hối đoái trong nước, tăng cường các công cụ phát hành nợ với lãi suất cố định và thay đổi theo diễn biến lạm phát.
Những thay đổi trên đây đã góp phần nâng cao tính bền vững của nền tài chính công theo hướng giảm dần mức độ sai lệch về tiền tệ và rủi ro lỳ hạn. Trong đó, tỷ trọng nợ dưới dạng ngoại hối giảm dần từ những năm đầu thế kỷ này đã giúp các nước mới nổi tránh được những rối loạn trên thị trường bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và suy thoái sau đó.
Việc tăng thời hạn phát hành với lãi suất cố định cũng giúp các nước mới nổi mở rộng thị trường vốn. Kết quả là, lợi tức trái phiếu tăng cao, gây tác động lớn hơn đến thị giá của chứng khoán nợ, nhưng cũng kèm theo rủi ro kỳ hạn tiềm tàng và những cơ chế phản hồi đối ngược.
Trúc Minh
Theo KTTD, Vietnambiz