Chiến thắng trước nhà vô địch Tây Ban Nha đã cho thấy hình ảnh đáng khích lệ của ĐT Anh.
Chiến thắng trước nhà vô địch Tây Ban Nha đã cho thấy hình ảnh đáng khích lệ của ĐT Anh.
Những năm trở lại đây, nếu các danh hiệu đến với Tây Ban Nha như một điều tất lẽ dĩ ngẫu (bởi họ quá mạnh so với phần còn lại) và giúp những người yêu mến đội bóng xứ sở đấu bò trải nghiệm cảm giác đứng trên đỉnh vinh quang, thì một lần đánh bại những Xavi, Iniesta, Puol hay Villa dù chỉ là trong một trận giao hữu cũng là cả một niềm tự hào lớn với phần còn lại của thế giới. Vì vậy, chiến thắng dù cực kỳ xấu xí của tuyển Anh trong trận giao hữu vừa qua cũng rất đáng được nhận những lời khen ngợi.
Dường như vụ lùm xùm quanh câu chuyện “cài hoa anh túc lên ngực áo” của Tam sư không làm ảnh hưởng tới cái đầu đầy chất quái của Fabio Capello. Sau khá nhiều trận tuyển Anh liên tục thua hoặc hòa trước những đội bóng thuộc top 10 thế giới, nhà cầm quân người Italia hiểu rằng đã tới lúc phải thay đổi lối chơi để thu về những kết quả khả quan hơn. Nghĩ tới một chiến thắng trước Tây Ban Nha, dù ngay tại Wembley, là một điều gì đó khá viển vông vào thời điểm hiện tại. Nhiều người đã nghĩ thế, thậm chí trong số đó có không ít các fan ruột của Tam sư. Nhưng Capello, với kinh nghiệm trận mạc dày dặn, hiểu rằng trong bóng đá không gì là không thể.
Dấu ấn chiến thuật đậm nét của Capello
Cái lối chơi đầy chất ma thuật và nghệ sĩ mang tên Tiqui-taca của Barcelona đúng là đang ngự trị trong lòng ĐT Tây Ban Nha dù họ chẳng có thiên tài Leo Messi. Vẫn là kiểu ban chuyền đoạn ngắn, di chuyển thanh thoát và bất ngờ tung ra những cú chọc khe chết người, Tiqui-taca của Tây Ban Nha quả thực là ác mộng của bất kỳ đội bóng nào. Đương nhiên Capello thừa biết đối thủ sẽ chơi bóng như thế. Vấn đề không hề đơn giản là phải tìm ra giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ từ đó hạn chế sức công phá của Tiqui-taca. Ở khía cạnh này, việc xuất thân từ một nền bóng đá chơi phòng ngự hay nhất thế giới đã mang lại lợi thế lớn cho Don Fabio.
Anh đã xuất trận với sơ đồ mà thoạt nhìn người ta tưởng rằng đó là 4-3-3. Nhưng kỳ thực đó là một sơ đồ linh hoạt có thể chuyển sang 4-1-4-1. Với cách bố trí ba tiền vệ thường xuyên xuất hiện trước bộ tứ vệ là Lampard, Parker và Phil Jones đã giúp Tam sư bịt chặt khu vực nguy hiểm nhất của Tây Ban Nha. Trong khi đó, sức mạnh hai cánh của nhà ĐKVĐ cũng rất đáng gờm bởi xu hướng dâng cao của hai hậu vệ biên. Thế nên, Milner ở cánh trái cũng như Walcott bên cánh phải đã nhận nhiệm vụ giữ khoảng cách hợp lý với Ashley Cole và Glen Johnson hòng khóa chặt Aberloa và Jordi Alba cũng như không để lọt Villa và Silva trong những tình huống mà hai chàng David này dạt biên.
Cách bố trí đội hình khoa học của ĐT Anh
Nhưng chỉ có như vậy vẫn chưa đủ để tránh được những đường chuyền cực hiểm và mang tính đột biến của các tiền vệ tài hoa bên phía Tây Ban Nha. Thế nên người ta thấy Lescott thường xuyên dâng cao với mục đích áp sát Villa để chân sút của Barca luôn phải nhận bóng trong tư thế khó. Người chơi cặp với Lescott là Jagielka thì ngược lại, chỉ cắm chốt phía dưới và gần như không ra khỏi vòng cấm để đề phòng một tiền vệ nào đó của đội khách bất ngờ lao vào. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ khung thành của cặp trung vệ chưa phải là lựa chọn số 1 của Capello sẽ bất là khả thi nếu họ không nhận được sự trợ giúp tuyệt vời từ Scott Parker, người đang được coi là tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất nước Anh. Tiếp tục duy trì phong độ rất cao ở trận này, "chiếc mỏ neo" Parker được giới chuyên môn tin rằng sẽ là lựa chọn không thể thay thế của Capello tại VCK Euro 2012.
Một điều chỉnh bất ngờ khác tới từ cái tên Phil Jones. Việc trung vệ của MU được đá chính ở hàng tiền vệ đã gây không ít ngạc nhiên nhưng tính toán ấy của Capello hóa ra lại mang tới hiệu quả. Do Alonso và Busquets quá chú tâm đến Lampard nên Jones có được tương đối nhiều khoảng trống đủ để dù không có kỹ thuật tốt nhưng tài năng trẻ này cũng đã nhiều lần thu hồi và triển khai bóng thành công.
Hàng tiên vệ của Tam sư đã chơi tốt
Đối đầu với Tây Ban Nha, cũng như Barcelona, đương nhiên phải phòng ngự phản công. ĐT Anh đã thành công trong khâu phòng ngự khi cả trận Tây Ban Nha chỉ sút trúng cầu môn 2 lần (trong tổng số 21 cú sút). Dù cầm bóng 71%, Tây Ban Nha không có nhiều cơ hội thực sự rõ nét cho tới khi Cesc Fabregas vào sân và làm náo loạn khu vực trước vòng cấm với lối di chuyển và dứt điểm như một tiền đạo ảo. Nếu may mắn tới với Cesc và đồng đội, họ đã ghi được bàn. Nhưng rõ ràng là khi không thể ban bật tới tận gôn, việc trông chờ vào may mắn không phải thói quen của Tây Ban Nha.
Không thể cầm được bóng nhưng không có nghĩa là Anh không thể tấn công. Hành lang phải với sự cơ động của Johnson và Walcott chính là ngòi nổ cho những đợt phản công của Tam sư. Tận dụng những tình huống cố định cũng là một cách để giải quyết trận đấu mà bàn thắng của Lampard là một minh chứng sống động. Đội quân của Capello đã thành công với chiến thuật mà họ đề ra bằng sự nỗ lực, tính kỷ luật cao và một chút may mắn. Anh cần một hình hài như thế để mơ đến chiếc cúp danh giá vào mùa hè sang năm và cần một chiến thắng như thế này để tiếp thêm sự tự tin.
Theo 24h.com.vn