Sự kiện hot
5 năm trước

Dự án bauxite 20 triệu USD của TKV cạn tiền mặt, chỉ còn 1 nhân viên, vừa làm giám đốc, vừa kiêm văn phòng

Nếu dự án bauxite tại Campuchia không được gia hạn giấy phép, công ty liên doanh giải thể, TKV không những "mất trắng" 187,3 tỷ đồng chi phí đã đầu tư, mà còn đối mặt với khoản bồi thường thêm gần 50 tỷ đồng.

tap-doan-than-khoang-san-viet-nam-1514905682799
Nhãn

Chết yểu

Theo báo của của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 6999/VPCP-HTQT ngày 28/11/2006 và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, TKV đã đàm phán với đối tác Campuchia để thành lập Công ty Liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam (ACV) nhằm mục đích khảo sát, thăm dò tiến tới khai thác và chế biến quặng bauxite tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia.

Ngày 21/12/2009, các bên ký kết hợp đồng thành lập liên doanh ACV với tổng mức đầu tư dự kiến 20 triệu USD, giữa bên A gồm TKV, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Campuchia và Kasimex Com (Campuchia) và bên B là Nadaco Group (Campuchia). Liên doanh ACV có thời hạn hoạt động 99 năm kể từ ngày thành lập.

Trong đó, bên A góp vốn bằng tiền mặt, gồm TKV 70%, 2 đối tác còn lại chia đều 10%, trong khi bên B góp 20% gồm giá trị quyền khai thác, quyền khảo sát, thăm dò hai khu vực khoáng sản bauxite tại tỉnh Mondulkiri, gồm Khu A (121,5km2) và khu B (135km2) đã được cấp phép, và quyền khai thác các khu vực khoáng sản bauxite khác sẽ được cấp với tổng diện tích 1.254 km2.

Tới cuối năm 2012, khu vực mỏ bauxite Mondulkiri đã được ACV tiến hành thăm dò chi tiết ở 2 khu có diện tích tập trung quặng bauxite gồm Khu Tây có diện tích quặng tập trung là 119,5km2, Khu Đông có diện tích quặng tập trung là 195,5km2. Kết quả thăm dò đã khoanh định được 68 thân quặng bauxite, vớ trữ lượng quặng nguyên khai 227,4 triệu tấn, trữ lượng tinh quặng cấp hạt +1mm trạng thái khô gió là 92,7 triệu tấn.

Kết quả thăm dò và đánh giá hiệu quả đầu tư cho thấy dự án có trữ lượng nhỏ và chất lượng quặng trung bình, nếu lập dự án khai thác và chế biến quặng quy mô công nghiệp thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

Ngày 26/11/2015, ACV ra nghị quyết số 01/NQ-ACV-ĐHĐCĐ về việc tạm dừng góp vốn vào công ty. Theo đó, các cổ đông tạm dừng góp vốn từ ngày 1/1/2016; nhân sự hiện tại của ACV sẽ do TKV sắp xếp, điều chuyển và trả lương để kiêm nhiệm công việc tại ACV; đồng thời chuyển nhượng toàn bộ tài sản theo giá trị còn lại cho Văn phòng đại diện TKV tại Campuchia và giảm trừ vào phần vốn đã góp của cổ đông TKV. Từ cuối năm 2015 đến nay, phần vốn thực góp của TKV có giá trị 9,088 triệu USD (187,3 tỷ đồng), tương đương 87,96% số vốn thực góp của các bên.

Từ đầu năm 2016, ACV không còn tiền mặt, không phát sinh các loại chi phí, không còn tài sản cố định. Toàn bộ giá trị tài sản còn lại phần lớn bao gồm tài sản dở dang dài hạn (tổng chi phí thực hiện khảo sát, điều tra và thăm dò) là 142,4 tỷ đồng.

Liên doanh này cũng chỉ còn 1 nhân sự duy nhất là Giám đốc công ty kiêm nhiệm công việc tại Văn phòng đại diện của TKV tại Campuchia.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2009-2018, ACV đã 5 lần được cấp giấy phép thăm dò, trong đó giấy phép gần đây nhất được cấp ngày 27/2/2018 sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2019. Báo cáo của TKV cho biết tới thời điểm 30/9/2018, ACV chưa được cấp giấy phép mới. Trong trường hợp ACV không được gia hạn giấy phép thăm dò, bên cạnh việc bị thu hồi giấy phép hiện có và phải giải thể thì liên doanh này còn phải bồi thường hơn 2,1 triệu USD, tương đương 49,4 tỷ đồng.

TKV muốn bán hết vốn 

Tới cuối năm 2015, vốn góp chủ sở hữu của ACV đạt 213 tỷ đồng, song lỗ luỹ kế đã lên đến mức 69,7 tỷ đồng, kéo tổng tài sản về còn 143,2 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020, TKV phải tiến hành thoái hết vốn khỏi ACV. Sau khi chuyển nhượng xong các dự án đầu tư, TKV cũng sẽ chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện tại Camphuchia.

Sáng ngày 19/8 tới đây trên Sở GDCK Hà Nội (HNX), TKV sẽ mang toàn bộ phần vốn góp 187,3 tỷ đồng ra bán đấu giá với giá khởi điểm 189,2 tỷ đồng. Mức chênh 1,9 tỷ đồng (tương đương 1% giá gốc vốn góp) được giải thích là giá trị văn hoá, lịch sử tính theo Thông tư 59/2018 của Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh thua lỗ lớn, dự án kém khả quan và giấy phép sắp hết hạn, mức giá TKV đưa ra được xem là không hấp dẫn nhà đầu tư. Được biết, trung tuần tháng 3/2019, Công ty TNHH PKF Việt Nam từng tư vấn, tính toán giá trị phần vốn đã đầu tư của TKV tại ACV ngày 30/9/2018 là gần 126 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này sau đó được tăng lên với lo ngại "mất vốn nhà nước".

Theo kết luận thanh tra TKV của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2017, không chỉ ACV, nhiều khoản đầu tư của TKV tại Lào và Camphuchia do không được điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định, dẫn đến lỗ, mất vốn 380 tỷ đồng tại các dự án Công ty Liên doanh Stung Trenng, Công ty TNHH Vinacomin Lào, dự án mỏ sắt Phu Nhuon (Lào)...

Xuân Tiên
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: