Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 27-10 về dự án Luật thủ đô, trong khi các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đồng tình với dự án luật thì các đoàn khác băn khoăn và đòi hỏi nhiều hơn.
Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 27-10 về dự án Luật thủ đô, trong khi các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đồng tình với dự án luật thì các đoàn khác băn khoăn và đòi hỏi nhiều hơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: “Một xe đổ phế thải ra giữa đường phố ở Hà Nội hậu quả rất khác ở miền núi” - Ảnh: Việt Dũng
Bình luận những quy định đặc thù về cơ chế tài chính, siết chặt điều kiện nhập cư vào nội thành và quy định mức phạt cao hơn ở một số lĩnh vực, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng điều này không chỉ phục vụ riêng cho Hà Nội mà vì cái chung.
Không phải vì mình an cư rồi mà làm khó người khác
Đồng ý tiếp tục thí điểm mô hình thừa phát lại
Do thời hạn thí điểm mô hình thừa phát lại tại TP.HCM đã hết hạn định từ ngày 1-7-2012, Chính phủ đã có báo cáo tổng kết và đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thí điểm đến năm 2015. Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến tại các đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian thí điểm vừa qua chưa nói lên được sự thành công của mô hình thừa phát lại, chưa đủ điều kiện để tổng kết, đánh giá đúng thực chất vấn đề, nên đồng tình cho Chính phủ tiếp tục thí điểm để có thêm thời gian đánh giá.
|
Ông Phạm Quang Nghị phân tích: Quy định chặt chẽ về nhập cư xét cho cùng cũng là để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho những người đang thường trú và những người đủ điều kiện thường trú ở nội thành Hà Nội, chứ không phải vì mình an cư lạc nghiệp rồi mà đặt điều kiện làm khó người khác. Quận Hoàn Kiếm có diện tích 4,5km2, chỉ lớn hơn công viên Đại Nam ở Bình Dương 0,5km2, mà đến 22 vạn dân ở đó. Tôi đến phố cổ thấy tình trạng 7-8 hộ dân sống chung trong một số nhà. Hà Nội đang phải di dời bớt trường học, bệnh viện, ngay cả bộ, ngành trung ương cũng phải chuyển ra khỏi những khu vực quá tải. Dự án giãn dân phố cổ cũng đang phải đầu tư với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Đã quá tải rồi mà lại dễ dàng tiếp nhận một bộ phận mới vào thì rõ ràng là gây thêm khó khăn.
“Xử phạt về đất đai, môi trường, xây dựng ở một nơi mà giá đất 200-300 triệu đồng/m2, họ chỉ lấn 1m2 ở hồ Tây là có 300-400 triệu đồng, nếu cứ áp dụng phạt mức chung của cả nước thì họ vui lòng nộp phạt ngay. Hậu quả của hành vi vi phạm ở Hà Nội chắc chắn gây ra cho cộng đồng hơn nơi khác rất nhiều, một xe đổ phế thải ra giữa đường phố ở Hà Nội hậu quả rất khác ở miền núi” - ông Nghị nói. Ông cho rằng mọi người vẫn lẫn lộn giữa TP Hà Nội với tư cách một đô thị với Hà Nội với tư cách của thủ đô. Tới đây có xây dựng luật đô thị thì cũng không thể quy định bao quát được những đặc thù của thủ đô Hà Nội. Thủ đô thì nước nào cũng chỉ có một.
Các ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đồng tình với quan điểm của ông Nghị. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo phân tích thêm: “Đây không phải là xây dựng luật về một đơn vị hành chính lãnh thổ, cũng không phải cho một đô thị đặc biệt, mà là luật cho thủ đô của một nước. Ỏ Pháp, Mỹ, Úc họ không có luật thủ đô, nhưng ở từng lĩnh vực thì họ lại có luật riêng, ví dụ giao thông thủ đô thì có luật riêng”.
“Thóc ở đâu bồ câu đến đó”
Ông Trần Tiến Dũng - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - đề nghị cân nhắc quy định mức thu phí giao thông vận tải cao hơn trên địa bàn thủ đô: “Nhiều người nói là sau khi chịu thuế nhập khẩu thì nhiều loại xe về đến VN đã đắt nhất thế giới rồi, nay lại chịu phí cao hơn”. Bà Nguyễn Thị Khá - ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội - cho rằng đây chưa phải là giải pháp tối ưu. “Thu phí là để bảo đảm giao thông, đáp ứng nhu cầu của người dân, chứ không phải thu phí cao thì người ta ngại không đi nữa. Muốn hạn chế được phương tiện giao thông thì cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng phải thuận tiện, dễ dàng, chứ đâu phải thu phí cao là người ta không đi” - bà Khá nói.
Liên quan đến quy định về quản lý dân cư, ông Trần Tiến Dũng cho rằng Hiến pháp và Luật cư trú đã có quy định rồi vì vậy “không nên đụng chạm đến quyền này”. Bà Nguyễn Thị Khá bổ sung: “Thóc ở đâu bồ câu đến đó. Đây là quy luật rồi”.
“Chúng ta rất yêu Hà Nội, muốn có Luật thủ đô nhưng thú thật, đa số ý kiến còn băn khoăn nhiều việc. Cần có một chế định tương xứng hơn thì rất hay” - đại biểu Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, “chốt” khi kết thúc thảo luận tại đoàn về dự thảo luật này. Ông Lịch cho rằng điều mong muốn nhất là làm sao nâng địa vị chính trị, địa vị pháp lý và mô hình tổ chức hành chính đặc thù, tương xứng với thủ đô. Nhưng rất tiếc là tất cả điều này đều không có trong dự thảo.
Cần xem lại câu chữ
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên - tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi) sáng 27-10.
Ông Học nói: “Cần xem xét lại cả về nội dung và câu chữ trong quy định về vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản. Đọc quy định này trong luật hiện hành, đại biểu Quốc hội phải nín thở vì điều luật chỉ một câu nhưng có bảy dòng, không dấu chấm, không dấu chấm phẩy”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - phó bí thư Thành đoàn TP.HCM - phân tích: dự thảo Luật xuất bản (sửa đổi) quy định cơ sở phát hành phải đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, quy định này giống như “một loại giấy phép con”, không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
Thực tế, các cơ sở phát hành báo (sạp báo) cũng bán sách, truyện tranh (hợp pháp) cho thiếu nhi, học sinh. Họ đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký mã ngành nghề Nhà nước cho phép theo phương thức hộ cá thể do phòng kinh tế quận, huyện cấp. Các quy định này đưa ra nhiều thủ tục, mang tính hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng thực chất vẫn không kiểm soát được các vấn đề liên quan đến nội dung. Do vậy, cần bỏ các quy định nói trên.
Dự kiến ngày 20-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật xuất bản (sửa đổi).
|
theo TTO