Dự án nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè xử lý ô nhiễm toàn bộ khu vực trung tâm TP và đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) dự kiến xây dựng năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Dự án nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè xử lý ô nhiễm toàn bộ khu vực trung tâm TP và đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) dự kiến xây dựng năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
470 triệu USD xây dựng nhà máy
Dự án vệ sinh môi trường Thành phố (DAVSMT), lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NLTN) giai đoạn 2 gồm 2 hạng mục: Tuyến cống bao chuyển nước thải từ giếng bờ Đông sông Sài Gòn (sau trạm bơm đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) đến NMXLNT tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), đường kính 3,2m, chiều dài 8km.
Hạng mục 2: NMXLNT NLTN (có quy mô khoảng 40,67ha, công suất 480.000m³/ngày đêm), nhằm xử lý triệt để nước thải từ lưu vực NLTN (gồm 7 quận: 1, 3,10, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Gò Vấp) và quận 2 trước khi đổ ra sông Sài Gòn. Dự kiến xây dựng từ năm 2014 đến năm 2019, với tổng kinh phí 470 triệu USD.
Hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện nghiên cứu khả thi, phần lớn được tài trợ từ nguồn vốn không hoàn lại từ chính phủ Pháp (thông qua quỹ Fasep) cho TP. SCE là đơn vị tư vấn được Chính Phủ Pháp chỉ định thực hiện nghiên cứu này.
|
Kênh Nhiêu lộc- Thị Nghè. Ảnh: CTV
|
Trước đó, trong giai đoạn 1 của dự án, hạng mục xây dựng trạm bơm chuyển tiếp có thiết bị lược rác với công suất 64.000 m3/giờ, diện tích khoảng 8.000 m2 đánh dấu hoàn thành bằng việc thông tuyến cống D3000 vượt sông Sài Gòn (tháng 10/2011), nhằm xả nước về phía quận 2. Trong khi, toàn bộ trạm bơm với vốn đầu tư 18 triệu USD sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 7 này để giảm ngập úng và ô nhiễm cho khoảng 1,2 triệu dân TP.
Được biết, kênh NLTN là tuyến kênh chạy giữa trung tâm TP. Thời gian trước đây, kênh đã bị ô nhiễm nặng bởi các hộ dân sinh sống lấn chiếm hai bờ kênh.
Trước tình trạng đó TP đã quyết tâm cải tạo bằng nguồn vốn ngân sách TP thông qua việc giải tỏa hơn 7.000 căn hộ dọc kênh. Được sự chấp thuận chủ trương của chính phủ, dự án “Cải tạo kênh NLTN" (nay là DAVSMT TP lưu vực NLTN giai đoạn 1) đã được đưa vào danh mục vay vốn WB tài khóa 2000-2001 để thực hiện. Ngày 5/7/2001, Hiệp định tín dụng phát triển của dự án đã được ngân hàng nhà nước Việt Nam (đại diện chính phủ Việt Nam) và WB ký kết. Từ đó, hình thành nên DAVSMT TP (lưu vực NLTN).
Bài toán về ngân sách
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (SCFC) cho biết: “Giai đoạn 2 khó khăn lớn nhất là tìm kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng NMXLNT.
Hiện UBND TP giao cho SCFC tiến hành đàm phán với ngân hàng thế giới (WB - nhà tài trợ vốn ODA cho giai đoạn 1) và ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để tiếp tục xin tài trợ ODA cho giai đoạn 2. Nếu thuận lợi, dự kiến đến năm 2014 mới có thể khởi công xây dựng nhà máy”.
|
Tuyến cống D3000 vượt sông Sài Gòn nối quận 2 đã hoàn thành cuối năm 2011 nhằm chuyển tải nước từ trạm bơm (quận Bình Thạnh) đến NMXLNT.
|
Ông Dũng cũng cho hay, hiện chỉ có WB “hứa” (chưa có ký hiệp định vay) sẽ tài trợ được khoảng 200 triệu USD nhưng nguyên tắc phải hoàn thành nghiên cứu khả thi, sau đó trình Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Chính phủ để thống nhất phương án vay.
Ngoài ra, TP sẽ phải bỏ ra 20 triệu USD vốn đối ứng. Trong khi 250 triệu USD còn lại thực tế chưa tìm được nhà đầu tư. Bên cạnh đó nhà thầu cũng tư vấn hướng đến hình thức đầu tư như PPP (hợp tác công tư), BT (xây dựng – chuyển giao).
Đặc biệt, hình thức PPP ở nước ta đang còn mới, các quy định liên quan đến hình thức này chưa có đủ khung pháp lý nên các cơ quan chức năng lẫn WB sẽ họp bàn để tiếp cận và xây dựng khung pháp lý. Về mặt bằng xây dựng nhà máy cơ bản đã có, hiện SCFC đang làm việc với quận 2 về việc xác định ranh giới của nhà máy.
|
Dự án VSMT TP (lưu vực NLTN) giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng nguồn nước vẫn chưa được xử lý triệt để.
|
GS.TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường TP, cho rằng: “Vấn đề xử lý vệ sinh môi trường nước tại kênh NLTN đã triển khai trong nhiều năm qua nhưng tính hiệu quả đem lại chưa cao. Hiện nay, chúng ta chỉ mới đầu tư hệ thống cống bao gom nước thải về trạm bơm (đặt tại quận Bình Thạnh) để lược rác và xử lý mùi mà chưa giải quyết triệt để ô nhiễm nguồn nước.
Do đó, việc xây dựng NMXLNT NLTN (giai đoạn 2) là rất quan trọng và cấp bách. Thế nhưng hiện nay nguồn vốn đầu tư vẫn là vấn đề nan giải. Đặc biệt, sau khi dự án VSMT giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành, toàn bộ lượng nước thải được thu gom và xả tập trung ra sông Sài Gòn vẫn chưa được xử lý triệt để”.
Trong khi đó, đại diện SCFC cho hay, hiện TP không còn tình trạng ô nhiễm do kim loại nặng, chỉ còn nước thải sinh hoạt và nước mưa, số nước này sau khi qua trạm bơm được xả thẳng ra sông Sài Gòn là có thể chấp nhận được vì không quá ô nhiễm. NMXLNT NLTN do Công ty tư vấn SCE (Pháp) thiết kế, diện tích khoảng 45 ha, tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, công suất 480.000 m3/ngày đêm.
Giang Uyên
Theo Infonet