Sau khi làm hợp đồng thuê hơn 50 ha đất để thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu, tuy nhiên do gặp khó nên nhà đầu tư đã bỏ đi và “xù nợ” nông dân hàng chục tỷ đồng.
“Chuối”như dự án trồng chuối?
Theo đó, vào năm 2010, Công ty TNHH Globe Farm Việt Nam về xã Viên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tiến hành khảo sát và ký hợp đồng thuê 54,671 ha đất của 790 hộ dân tại xã, với mức giá 600 USD/ha/năm.
Mục tiêu dự án là trồng chuối xuất khẩu trên diện tích 200 ha, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4 triệu USD do 100% vốn Hàn Quốc, triển khai từ tháng 6/2010- 2017.
Cụ thể, vào ngày 1/11/2013, UBND xã Viên Thành đã bàn giao tổng số 55,0140 ha, đảm bảo theo hợp đồng đã ký (trong đó có 1 ha UBND tỉnh Nghệ An thu hồi của 57 hộ dân cho Công ty thuê với thời hạn 50 năm để xây dựng nhà xưởng).
Tuy nhiên sau đó do hoạt động của dự án kém hiệu quả, làm ăn không được đến ngày 30/1/2015, doanh nghiệp đã trả lại 9,7 ha đất đã thuê tại đồng Cây Trường và đồng Sống Vang.
Mảnh đất nơi dự án trồng sản xuất chuối nhập khẩu với tổng mức hơn 4 triệu USD giờ bỏ hoang
Theo ông Đặng Hữu Cự (trú tại xóm 7, xã Viên Thành) cho biết: “Gia đình ông có 3 sào ruộng, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được khoảng 3 tạ lạc và 3 tạ lúa. Nhưng từ khi cho công ty thuê đất để thực hiện dự án đến nay, gia đình mới chỉ nhận được hơn 7 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Chín - Chủ tịch HĐQT- HTX Viên Thành bức xúc: “Mặc dù trên giấy tờ là một con số khổng lồ (4 triệu USD), nhưng từ khi dự án này được ký kết thì chúng tôi chưa được hưởng lợi ích nào ngoài duy nhất một con đường nhựa 9km do UBND tỉnh đầu tư. Giờ Công ty thoái trách nhiệm, bỏ chạy chúng tôi phải giải trình với nhân dân như thế nào đây? Ai sẽ chịu trách nhiệm này và bao giờ thì dân mới lấy lại được hiện trạng đất như ban đầu”.
Doanh nghiệp “xù nợ”, huyện trích 60 triệu trả dân
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Hữu Nhàn, Chủ tịch UBND xã Viên Thành cho biết, công ty đã trả tiền thuê đất cho người dân đến hết ngày 31/12/2014.
Tuy nhiên sau đó, do hoạt động kém hiệu quả nên đến ngày 30/1/2015, công ty này trả lại 9,7 ha đất đã thuê tại đồng Cây Trường và đồng Sống Vang. Tính đến thời điểm hiện nay, công ty vẫn đang nợ tiền thuê đất các năm 2015, 2016 và 2017, với diện tích 44,613 ha, số tiền nợ là 80.212 USD.
“Mặc dù xã đã về đích nông thôn mới nhưng hiện tại cuộc sống của người dân vẫn đang gặp khó khăn. Chính vì thế, hiện nay chính quyền và nhân dân đều có nguyện vọng là doanh nghiệp phải thanh toán hết số tiền thuê đất đang nợ dân; trả lại mặt bằng và hệ thống giao thông thuỷ lợi như trước đây để cho bà con tăng gia sản xuất”, ông Nhàn nói.
Cũng theo tìm hiểu thì UBND huyện Yên Thành đã tạm thời ứng tiền ngân sách giải quyết cho Công ty TNHH Globe Farm hơn 605 triệu đồng để UBND xã Viên Thành chi trả trước 50% số nợ cho cho bà con nông dân.
Đồng thời phía HTX xã Viên Thành cũng đã làm đơn, khởi kiện doanh nghiệp ra toà để giải quyết dứt điểm, trả lại quyền lợi cho địa phương.
Về sự việc này, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, trước đó huyện đã tạm ứng 650 triệu đồng ngân sách do Công ty TNHH Globe Farm vay để chi trả tiền thuê đất cho người dân.
Tại đây có nhiều hạng mục đã xây dựng xong nhưng bỏ hoang.
“Vừa qua huyện đã đề nghị UBND tỉnh, Sở KHĐT, Sở NN&PTNT Nghệ An yêu cầu Công ty TNHH Globe Farm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, thanh toán số tiền mà công ty đang nợ người dân và hoàn trả hơn 605 triệu đồng mà huyện đã tạm ứng ngân sách cho công ty vay để chi trả tiền thuê đất cho các hộ dân thông qua UBND xã Viên Thành”, ông Tuyên cho hay.
Cũng theo ông Tuyên thì huyện sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất giữa công ty với HTX nông nghiệp Viên Thành và các hộ dân. Đồng thời rút giấy phép đầu tư đối với Công ty Globe Farm Việt Nam và tiến hành bàn giao mặt bằng về diện tích đất công ty thuê cho UBND xã Viên Thành.
“Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với phía công ty nhưng vẫn không được. Do công ty không giải quyết nên huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con nhân dân xã Viên Thành làm đơn khởi kiện ra toà án dân sự để giải quyết dứt điểm sự việc”, ông Tuyên nói.
Hoài Nam
Theo ĐSPL, Vietnammoi