Sự kiện hot
6 năm trước

Dư địa tăng trưởng khu vực FDI còn lớn

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2019 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và cao nhất so trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo dự báo, trong năm 2019, khu vực FDI tăng trưởng lớn.

fdi-2
Dư địa tăng trưởng khu vực FDI còn lớn

Góp vốn mua cổ phần - xu hướng chính

Nếu như thu hút vốn FDI quý I/2016 đạt 4,03 tỷ USD, thì quý I/2017 đạt 7,71 tỷ USD và quý I/2018 đạt 5,8 tỷ USD, thì quý I năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018 và cao nhất so trong vòng 3 năm trở lại đây.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), ngoài phần điều chỉnh tăng vốn thấp hơn so với cùng kỳ, thì vốn FDI đáp ứng vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần. Cụ thể, trong quý I/2019, cả nước có 758 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, quý I/2019, cả nước có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký. Con số này cho thấy, FDI theo hình thức góp vốn mua cổ phần đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 8,4 tỷ USD, chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 778,2 triệu USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đầu tư đăng ký 383,2 triệu USD, chiếm 3,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, quý I năm nay có một sự xáo trộn khi hai vị trí dẫn đầu không còn thuộc về Hàn Quốc và Nhật Bản như thường thấy. Tính hết quý I/2019, Hồng Kông tạm dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,4 tỷ USD, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,46 USD, chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD và 700 triệu USD.

Có thể điểm mặt một số dự án lớn trong quý I/2019 như dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek co., Ltd (Hồng Kông) đầu tư tại Bắc Ninh hay dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, tổng vốn đầu tư đăng ký 170 triệu USD do Universal Alloy Corporation Asia Pte., Ltd (Singapore) đầu tư với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite tại Đà Nẵng...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, không chỉ tăng mạnh về vốn đăng ký, thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm cũng thể hiện bộ mặt rất tích cực khi các đoàn doanh nghiệp của các quốc gia phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Đức... liên tục có những chuyến khảo sát nhằm tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. “Đây là tín hiệu cho thấy công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đang được triển khai đúng hướng và gây được sự chú ý với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Dư địa tăng trưởng còn lớn

Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019, giải pháp liên quan đến thúc đẩy sự phát triển của khu vực FDI được cho là hết sức quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Bộ KH&ĐT “bắt mạch” được các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của khu vực FDI thì sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2019.

Sở dĩ như vậy vì, khu vực FDI được coi là một trong 4 “động cơ” quan trọng của “cỗ xe” tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thậm chí, trong nhiều năm qua, FDI là động cơ hoạt động tốt nhất, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Đầu năm 2019, khi nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP quý I sẽ chỉ đạt khoảng 6,58%, khá khiêm tốn so với mục tiêu tăng trưởng của năm 2019, thì các giải pháp nhằm “kích” động cơ tăng trưởng FDI hoạt động mạnh mẽ hơn lại được đặt ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu trong hai tháng đầu năm nay đã có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt ở khu vực FDI. Đơn cử, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) trong hai tháng đầu năm chỉ đạt gần 25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều so với tỷ trọng 70,8% và mức tăng trưởng 27,2% của cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân thấy rõ là do sự sụt giảm xuất khẩu của Samsung. Thực tế, hai tháng đầu năm, xuất khẩu linh kiện điện thoại giảm 5,3%, còn điện thoại di động giảm 7,6%.

Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng khu vực FDI vẫn còn lớn. Hiện nay, Formosa, Lọc dầu Nghi Sơn cũng đang được kỳ vọng sẽ cùng với một số dự án lớn của khu vực trong nước sẽ kéo cỗ xe tăng trưởng của cả nước đi lên. Thép Formosa Hà Tĩnh có công suất 7,5 triệu tấn/năm, nhưng năm 2018 mới sản xuất được khoảng 4,5 triệu tấn và do đó, dư địa tăng trưởng còn lớn. Trong khi đó, Lọc dầu Nghi Sơn với công suất 10 triệu tấn/năm cũng được kỳ vọng sẽ tăng thêm lực cho cỗ xe tăng trưởng.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) muốn tăng vốn thêm 610 triệu USD, còn Meiko Electronics Vietnam thì đang làm thủ tục để tăng vốn thêm 200 triệu USD nhằm mở rộng sản xuất bảng mạch điện tử cho ô tô… Hay gần đây, có thông tin cho biết, Tập đoàn Hana Micron của Hàn Quốc dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất bộ nhớ điện thoại di động và chất bán dẫn hệ thống, vốn đầu tư 500 triệu USD tại Bắc Giang… Khi những dự án này được triển khai, “cỗ xe” tăng trưởng của Việt Nam sẽ được “tăng lực”.

Phong Cầm
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: