Sự kiện hot
13 năm trước

Du khách tàu biển tăng mạnh

Hàng ngàn du khách quốc tế đang đổ đến VN mỗi tuần từ những con tàu cao cấp như Star Cruises, Costa Crociere S.p.A...

Hàng ngàn du khách quốc tế đang đổ đến VN mỗi tuần từ những con tàu cao cấp như Star Cruises, Costa Crociere S.p.A...

Điểm ngắm của hãng tàu

Hiện ở VN chỉ có chừng 5 công ty đón khách tàu biển, trong đó có 2 đơn vị chiếm phần lớn lượng khách là Saigontourist và Tân Hồng. Tính riêng Saigontourist, trong 4 tháng đầu năm 2012 (theo lịch đăng ký) sẽ đón hơn 140.000 du khách và thuyền viên của nhiều tàu như Costa Classica, Costa Romantica, SuperStar Virgo, Columbus, Spirit of Adventure, Bremen... Con số này tăng mạnh so với năm 2011, khi cả năm ngoái công ty đón được 115.000 khách tàu biển. Có ngày, Saigontourist phục vụ 3 chuyến tàu biển khác nhau; có tháng, tàu Costa Classica đến vịnh Hạ Long 7 chuyến. Quốc tịch du khách cũng đa dạng, thị trường truyền thống có châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản và gần đây nổi lên khách Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ông Vũ Duy Vũ, Phó giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist (phụ trách khách tàu biển), nhận định VN đang là điểm ngắm đưa khách đến của các hãng tàu và thời gian tới lượng khách sẽ tăng cao. “VN cho đến nay vẫn được xem là điểm đến mới của đối tượng khách này. Đặc biệt, Trung Quốc nổi lên vừa là một thị trường điểm đến vừa là thị trường khách nguồn với hàng triệu khách tàu biển mỗi năm”, ông Vũ cho biết. Trong vòng nửa tháng (từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3), đã có 7 chuyến tàu SuperStar Aquarius cập cảng Huế, Đà Nẵng đưa 15.000 khách Trung Quốc đến các điểm tham quan. Còn riêng Star Cruises đến VN theo hành trình định tuyến mới từ Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc) tới Hạ Long, Đà Nẵng, Huế liên tục từ tháng 11.2011 - 3.2012 với 87 chuyến cùng gần 200.000 du khách và thuyền viên.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, ngoài việc được xem là điểm đến mới với nhiều cảnh quan, văn hóa, ẩm thực... đầy sức cuốn hút, VN còn hưởng lợi do nằm giữa hai trung tâm (hub) quan trọng hàng đầu châu Á trong việc phân bổ nguồn khách tàu biển là Singapore và Hồng Kông. Trên hải trình dài giữa hai hub này, các hãng tàu thường chọn VN là điểm dừng chân cho khách. Thông thường, các chuyến tàu biển chở du khách sẽ không di chuyển quá nhanh và đi quá lâu, nên dừng chân để du khách ngắm cảnh, mua sắm là điều bắt buộc. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho rằng VN có nhiều lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển khách tàu biển.

 Các gian hàng đồ lưu niệm “dã chiến” được bày bán cho khách tàu biển - Ảnh: D.Đ.M

Không có chỗ xài tiền

Theo ông Vũ Duy Vũ, một trong những trở ngại lớn nhất của việc đón khách tàu biển chính là không có cảng chuyên biệt dành cho đối tượng khách này. Nhiều nước đã xây dựng cảng du khách có cả hệ thống cửa hàng mua sắm, giải trí, ăn uống bên trong. Các cảng của VN chỉ dành cho tàu đến và đi chứ chưa khai thác được các dịch vụ như cung cấp lương thực thực phẩm, xăng dầu... Hiện tại, khách lưu lại ở một điểm tham quan không lâu, thường thì trong vòng 24 giờ rồi di chuyển đến điểm khác. Nếu ở lại nhiều hơn, khả năng mua sắm, chi tiêu sẽ lớn hơn. Còn theo tiến sĩ Tuấn, hạ tầng là bất cập lớn nhất, dù chúng ta có tiềm năng lớn. Khách tàu biển là khách cao cấp, đòi hỏi dịch vụ cao cấp, đi nhanh về nhanh, nhưng hạ tầng đang làm du khách mất quá nhiều thời gian. Như đoạn đường thường xuyên kẹt xe từ cảng Navi Oil (Q.7) đưa khách vào trung tâm TP.HCM để tham quan khiến khách chán nản. Ông Tuấn cho rằng các cảng biển ở VN chỉ cần nâng cấp, tổ chức dịch vụ tốt là có thể trở thành cảng du khách. Đà Nẵng được nước ngoài đánh giá nếu đầu tư cảng biển du khách sẽ trở thành trung tâm mới của khu vực.  

Trên thực tế, khả năng chi tiêu của khách tàu biển là rất lớn. Nhưng ông Vũ cũng nhìn nhận một điều, khả năng cung ứng của ta còn quá hạn chế đã làm mất cơ hội kinh doanh này. TP.HCM và Hà Nội một phần làm được việc này nhưng các địa phương thì rất hạn chế, khách đến không có gì để mua trong khi đặc trưng của khách tàu biển là mua sắm rất nhiều do không bị hạn chế trọng lượng hàng hóa như hàng không.

“Doanh nghiệp du lịch mang khách đến, họ làm tốt trong phần việc của mình, phần còn lại đòi hỏi phải có đầu tư đồng bộ của nhà nước”, ông Vũ bình luận.

N.Trần Tâm
Theo Thanh nien


Từ khóa: