UBND tỉnh Quảng Trị dự kiến đầu tư để phát triển kinh tế ban đêm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như tạo dấu ấn thu hút khách du lịch đến với tỉnh.
Ngày 8/11, UBND tỉnh Quảng Trị họp bàn về dự thảo Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo báo cáo trước đây một số mô hình kinh tế ban đêm như khu mua săm, ẩm thực, phố đi bộ,… đã được triển khai nhưng chưa đồng bộ, hấp dẫn để thu hút được khách hàng, du khách tham quan.
Các khu chợ đêm ở phường 2, phường 3 hay phố đi bộ Ngô Quyền, các tour du lịch về đêm tại Thành cổ Quảng Trị,… quy mô còn nhỏ, tự phát, chưa tạo được điểm nhấn, dẫn đến ế ẩm, không có khách tham quan, trải nghiệm.
Vì vậy, với mong muốn khai thác tiềm năng, lợi thế của Quảng Trị để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm. Đồng thời nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút khách du lịch đến Quảng Trị tham quan và lưu trú dài ngày. Việc phát triển kinh tế ban đêm với hy vọng sẽ thay đổi bộ mặt của tỉnh.
Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện Đề án khoảng 14.796 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 101,4 tỉ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 14.694,6 tỉ đồng.
Dự thảo đề ra 10 nhóm giải pháp để thực hiện. Cụ thể: Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; giải pháp về quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huy động vốn đầu tư; xúc tiến, quảng bá và truyền thông; phát triển nguồn nhân lực phục vụ KTBĐ; đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế ban đêm; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Đề án. Đồng thời, trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn, khảo sát địa điểm phù hợp; rà soát các quy định liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp; cần có quy chế quản lý kinh tế đêm; cân đối nguồn lực đầu tư; đảm bảo môi trường, nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình làm du lịch, phát triển kinh tế ban đêm; nghiên cứu đầu tư các dịch vụ phù hợp theo từng giai đoạn…
Cụ thể, kêu gọi dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí tại công viên sinh thái Cọ Dầu (thành phố Đông Hà) 2.000 tỉ đồng, Trung tâm dịch vụ biên mậu cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) 1.000 tỉ đồng, tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh (huyện Gio Linh) 4.000 tỉ đồng…
Từ nay đến năm 2025, Quảng Trị thí điểm 3 - 4 phố đi bộ với các dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực vùng miền tại TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo; phát triển 2 - 3 cửa hàng, trung tâm mua sắm, phố ẩm thực… Các dịch vụ này hoạt động từ chiều tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau.
Đến năm 2030, Quảng Trị phấn đấu thu hút 2 triệu lượt khách du lịch tham gia kinh tế đêm, mở rộng 4 - 5 phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa nghệ thuật, hình thành và phát triển ít nhất 2 - 3 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang tính biểu tượng về đêm.
Theo dự thảo Đề án, trong giai đoạn 2023-2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11,7%/năm. Triển khai thí điểm 3-4 khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ.
Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8-8,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 14,3%.
Phát biểu tại cuộc họp trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Hoàng Nam khẳng định phát triển kinh tế ban đêm là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của xã hội. Quảng Trị cũng có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm .
Theo Phó Chủ tịch tỉnh cần phải nghiên cứu, điều chỉnh về không gian, thời gian cho các hoạt động kinh tế ban đêm , gắn với những hoạt động cụ thể của từng địa phương. Xác định thời gian cụ thể thực hiện đề án, từ đó triển khai quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm.
Bước đầu, cần tập trung triển khai thực hiện tại những địa điểm đã có hình ảnh, thương hiệu như thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa)... Sau đó, mỗi địa phương nghiên cứu triển khai các hoạt động đặc thù, phù hợp tình hình thực tế để đa dạng hóa loại hình du lịch.
Tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu nghiên cứu bổ sung để hoàn chỉnh dự thảo để Đề án sau khi được ban hành phải đảm bảo tính khả thi cao.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU