Sự kiện hot
11 năm trước

Du lịch Bình Thuận đau đầu với bài toán nhân lực

Sáng ngày 21/10, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Trường Đại học Phan Thiết tổ chức Hội thảo Quốc gia về Nguồn nhân lực và phát triển du lịch Bình Thuận.

Sáng ngày 21/10, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Trường Đại học Phan Thiết tổ chức Hội thảo Quốc gia về Nguồn nhân lực và phát triển du lịch Bình Thuận.


Đoàn Famtrip quốc tế khảo sát du lịch tại Phan Thiết. (Ảnh: Nguyễn Thanh/Vietnam+)

Tham gia Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy, các trường đại học… với hơn 70 tham luận về nguồn nhân lực du lịch từ ba miền của đất nước.

Du lịch Bình Thuận trong thời gian qua phát triển nhanh mang tính đột phá, trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng nhất trong cả nước. Các loại hình kinh doanh du lịch phát triển nhanh chóng, thu hút một lượng lớn lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.

Tổng số lao động trong ngành du lịch hiện nay trên 12.000 người, tăng bình quân trên 10% năm. Tuy nhiên, lao động du lịch tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu. Bài toán về nguồn nhân lực vẫn luôn làm đau đầu các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận.

Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận nhìn nhận đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch hiện nay thiếu rất nhiều, chất lượng nhân viên phục vụ còn rất hạn chế. Lao động chưa được đào tạo chiếm tới 44,47% trong tổng số lao động. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chỉ chiếm 4,59%. Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường khách quốc tế…

Một thực tế đáng buồn là tại một tỉnh có số lượng các khu du lịch lớn nhất cả nước và cơ hội việc làm sau khi ra trường là 100%, thế nhưng sinh viên vào học các ngành du lịch tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn rất hạn chế.

Ông Bùi Văn Giáo, Nhà sáng lập trường đại học Phan Thiết cho biết số lượng sinh viên của ngành Du lịch chỉ chiếm hơn 70% so với Tài chính ngân hàng và Quản trị kinh doanh, trong khi hai ngành này tìm việc rất khó.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện nay phần lớn vẫn là tự phát và chưa qua đào tạo. Một số doanh nghiệp du lịch phát triển theo kiểu hộ gia đình và họ không thuê những người có chuyên môn để quản lý. Chính điều này đã làm cho ngành du lịch phát triển không đồng bộ bởi các nhân viên, người quản lý điều không chuyên nghiệp.

Dự báo đến năm 2015, Bình Thuận sẽ có khoảng 350 cơ sở lưu trú du lịch với trên 12.000 phòng, tổng số lao động phục vụ cho du lịch sẽ trên 40.000 người; đến năm 2020 sẽ trên 78.000 người… Đây là một trong những thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển ngành du lịch Bình Thuận, đòi hỏi phải đảm bảo hai mục tiêu là nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch.

Một trong những tiêu chí cần thiết để đảm bảo hai mục tiêu này chính là phải đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận cũng đề cập các giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Theo ông Phạm Xuân Hậu, Phó Trưởng Khoa Du lịch- Đại học Văn Hiến, Bình Thuận cần phải đào tạo lại và đào tạo mới nguồn nhân lực của tỉnh.

Đặc biệt chú ý thành lập các cơ sở đào tạo nghề và tìm kiếm sự kết hợp của các cơ sở này với các cơ sở đào tạo nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước. Tăng cường bồi dưỡng cho lực lượng lao động không thuộc quản lý của ngành, họ thường là những lao động ở các ngành khác… thì cần phải tuyên truyền, giáo dục để khi họ tham gia vào hoạt động phục vụ du khách cần giữ được nét văn hóa vốn có của địa phương, dân tộc.

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Du-lich-Binh-Thuan-dau-dau-voi-bai-toan-nhan-luc/201310/221591.vnplus

Nguyễn Thanh
theo Vietnam+

Từ khóa: