The New York Times đưa Đà Nẵng vào danh sách “Điểm phải đến trên thế giới 2019”. Đó là thành quả của rất nhiều việc… không ai để ý.
Năm 2010, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức một tour du lịch đặc biệt. Họ cho gần 300 thanh, thiếu niên có biểu hiện cá biệt đi thăm Trường giáo dưỡng số 3 và Khu du lịch Bà Nà. Đây là các bạn trẻ có nhiều biểu hiện chống đối xã hội, từ đánh nhau, trộm cắp, bỏ học.
Sau khi trải nghiệm hai bối cảnh trái ngược: một bên là khu giáo dục tập trung dành cho các bạn cùng lứa tuổi; một bên là nơi vui chơi thú vị và tươi đẹp như tiên cảnh, câu hỏi được đặt ra: Các em lựa chọn cuộc sống của mình thế nào?
Một năm sau đó, khi các phóng viên tìm lại một số bạn trong tour du lịch đặc biệt này, họ nhận được phản ánh của các giáo viên rằng các em đã trở thành học sinh chăm. “Em muốn trở thành kiến trúc sư để xây dựng Đà Nẵng” – Minh Hùng, một “du khách” của tour du lịch đặc biệt năm ấy nói trên báo Nhân Dân.
Thành phố tiên phong
Đà Nẵng đưa ra rất nhiều chính sách tiên phong trong xây dựng nếp sống văn minh cho thành phố. Cho đến lúc này, nhiều người Việt Nam vẫn nhắc đến quyết định “5 không” do cố bí thư Nguyễn Bá Thanh ký tháng 12/2000. Nhưng đó không phải là tất cả. Nếp sống của thành phố đã được tạo dựng từ nhiều viên gạch lớn nhỏ, từ những chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ như tuyên chiến với hàng rong, cho đến những hành xử tinh tế như miễn phí gửi xe trong bệnh viện.
Từ năm 2005, Đà Nẵng đã có quyết định cấm bán hàng rong trên nhiều tuyến phố. Họ là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chủ trương này. Phải tới tận năm 2008, Hà Nội mới bắt đầu có những chiến dịch tương tự.
Năm 2007, lãnh đạo thành phố từ chối 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD – một con số khổng lồ thời đó. Một dự án sản xuất thép của Đài Loan và một dự án sản xuất giấy của Nhật. Lý do: họ không muốn đánh đổi môi trường thành phố trước nguy cơ các nhà máy này có thể gây ra.
Từ năm 2011, Đà Nẵng bắt đầu không thu tiền gửi xe trong bệnh viện. Cho đến năm 2018, tại các bệnh viện khắp thành phố, bệnh nhân nội trú hay ngoại trú, người nhà đang chăm sóc bệnh nhân vẫn được miễn phí gửi xe.
Tháng 8/2015, ngành du lịch Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử du lịch gần như đầu tiên trên cả nước. Bộ quy tắc dành cho ba đối tượng: người dân Đà Nẵng, người phục vụ và hoạt động trong lĩnh vực du lịch, và kể cả chính du khách - những người cũng góp phần ảnh hưởng đến bộ mặt thành phố.
Không phải là một văn bản, bộ quy tắc được truyền tải kỳ công: nó được in thành một tờ rơi hoạt hình, với 12 lời nhắc nhở; được phát hành bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Trung, và được phát tới tận tay khách du lịch ở nhà ga, sân bay, khách sạn và nhà hàng.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, kết hợp với xử phạt, Đà Nẵng “tuyên chiến” với các hành vi mồi chài, chèo kéo du khách; lừa đảo, chặt chém giá dịch vụ; vi phạm an toàn giao thông; phá hoại di tích hoặc cảnh quan môi trường… Tại các khu chợ bán đặc sản nổi tiếng có đặt những chiếc cân tiêu chuẩn để người mua hàng có thể tự kiểm chứng.
Những người bán trải nghiệm
Nếp sống của Đà Nẵng còn được tạo dựng bởi một lực lượng quan trọng: ngành du lịch với tất cả những “manner” của nó.
Du lịch là xương sống của nền kinh tế Đà Nẵng, và “cung cách ứng xử” (the manner) là yếu tố được đề cao nhất trong kinh doanh du lịch. Người dân Đà Nẵng, từ lái xe, bán hàng cho đến các nhà đầu tư hiểu rằng họ đang cùng kinh doanh một lĩnh vực mà sự dễ chịu là hàng hóa.
Lĩnh vực đào tạo sau phổ thông phát triển nhất tại Đà Nẵng hiện nay, chính là du lịch. Ngoài hàng chục cơ sở giáo dục, từ đại học, cao đẳng cho tới trường nghề có chuyên ngành du lịch, thì các nhà đầu tư cũng thành lập các trung tâm đào tạo riêng của mình. Văn hóa ứng xử tất nhiên là một học phần quan trọng của mọi khóa đào tạo du lịch.
Một điển hình là Sun Group - một trong những công ty sử dụng nhiều lao động nhất trên địa bàn – họ có các khóa đào tạo riêng. Tập đoàn này năm 2019 đã được tạp chí HR Asia tôn vinh là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á. Chi tiết đáng chú ý nhất, là câu hỏi về việc “Công ty coi trọng con người hơn lợi nhuận” của Sun Group có điểm cao vượt trội so với điểm chung của ngành du lịch và giải trí.
Những nhà đầu tư này không chỉ mang đến động lực kinh tế cho việc “sống đẹp”. Các chuyên gia hàng đầu thế giới cũng tới Đà Nẵng làm việc, và bổ sung vào môi trường tại Đà Nẵng các chuẩn mực mới. Nếu nhìn vào hồ sơ năng lực của những chuyên gia đang điều hành các cơ sở du lịch tại Đà Nẵng, sẽ dễ nhận ra họ có thể đóng góp được điều gì. Đơn cử, trong CV của giám đốc ngành ăn uống tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, có một danh sách dài các khách sạn danh tiếng tại Dubai – một huyền thoại về “thành phố quốc tế”.
Bản thân những công ty này, giống với thành phố, cũng đầu tư cho nếp sống văn minh bằng những chính sách thú vị. InterContinental Danang là khu nghỉ dưỡng đầu tiên có vị trí chính thức cho một nhà… động vật học. James Morrison, một chuyên gia động vật có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, đã tới và thiết lập cho resort này một “chương trình chung sống” với quần thể động vật trên bán đảo Sơn Trà, nơi có loài voọc chà vá chân nâu đặc hữu.
Mới đây, trên báo Đà Nẵng, PGS.TS Lê Văn Huy của Đại học Đà Nẵng đã đề xuất câu khẩu hiệu mới cho thành phố là “Thành phố tiên phong” (Inspiring City, còn khẩu hiệu hiện nay là “Fantasticity” – Thành phố diệu kỳ). Dù có trở thành hiện thực hay không, thì trên thực tế, Đà Nẵng từ lâu đã là một thành phố tiên phong, khi bàn đến việc xây dựng một môi trường sống văn minh.
Hạnh Nguyên