Khách du lịch tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Nguồn: Internet)
Vấn đề này không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ bởi mục tiêu đến năm 2015 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như trong Nghị quyết Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2011 – 2015) đặt ra sẽ khó cán đích, nếu như không có sự thay đổi về mặt tư duy và chỉ đạo và không để cho những người tâm huyết với du lịch không phải thốt lên chúng tôi rất xót xa vì du lịch Hà Nội hội đủ yếu tố thiên thời địa lợi nhưng không thể “bật” lên như các địa phương khác kém hơn mình về mọi mặt.
Tiềm năng từ chiều sâu văn hóa
Với hơn 5.000 di tích và gắn với các di tích này có trên 1.000 lễ hội lớn nhỏ, trải rộng khắp nội ngoại thành, đủ để khẳng định chiều sâu văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ.
Người ta không xa lạ gì với khu phố cổ, nơi còn lưu giữ khá nhiều nét đặc trưng của Kẻ chợ xưa, từ kiến trúc nhà ở, di tích văn hóa, các phố nghề đến cách ứng xử thanh lịch của người Hà Nội cổ. Hay Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam mà du khách đến Hà Nội ít khi bỏ qua.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng loạt các bảo tàng; 277 làng nghề truyền thống đã được công nhận, các khu du lịch sinh thái… cũng là những địa điểm có nhiều đặc trưng độc đáo.
Bên cạnh đó là các di sản văn hóa vật thể như rối nước, ca trù, các điệu múa cổ, cải lương, chèo… tạo ra sự phong phú và những nét riêng biệt cho du lịch Hà Nội.
Gần đây nhất, khi Hoàng thành Thăng Long, Không gian lễ hội Gióng, 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Ca trù trở thành di sản văn hóa của nhân loại thì du lịch Hà Nội càng thêm nhiều yếu tố để hấp dẫn du khách.
Ông Francois Hardy, một du khách Pháp đã từng thốt lên trong chuyến tham quan Hà Nội: “Hà Nội của các bạn quả là đẹp và hiếm có thành phố nào sánh bằng. Tôi rất thích dạo chơi phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và thưởng thức các món ăn dân dã của Hà Nội.”
Trong khi đó, các yếu tố xã hội khác như Hà Nội là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa của cả nước, thuận lợi về mặt giao thông, kể cả hàng không, đường bộ, đường sắt cộng với đội ngũ làm du lịch đông đảo từ các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên…., du lịch Hà Nội vượt trội hơn các địa phương khác về mọi mặt là điều không phải bàn cãi.
Hơn nữa, du lịch Hà Nội còn là trung tâm kết nối với các trọng điểm du lịch khác như Hạ Long, Cát Bà, Sa Pa, Ninh Bình… thuận lợi trong việc đưa đón, trung chuyển khách.
Nhưng vấn đề, từ những tiềm năng ấy, Hà Nội đầu tư và khai thác thế nào để ngày càng đông du khách đến tham quan, tìm hiểu mới là điều cần bàn.
Thành công nhiều, hạn chế không ít
Thông qua hoạt động du lịch, hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến được quảng bá rộng rãi trong khu vực và trên thế giới. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng cao, năm 2010 đón 1,7 triệu lượt khách, năm 2011 đón gần 1,9 triệu lượt khác và năm nay dự kiến đón 2 triệu lượt khách.
Bên cạnh loại hình du lịch vốn là thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch làng nghề, phố nghề, du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo; Hà Nội còn phát triển các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, làng cổ…
Từ năm 2006, mạng thông tin MSN (Microsoft) đã đánh giá Hà Nội đứng thứ 3 trong số 10 thành phố có ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.
Liên tục từ năm 2005 đến nay, Hà Nội được Tạp chí Travel & Leisure (tạp chí du lịch có uy tín của Mỹ) bình chọn là một trong 10 thành phố du lịch hấp dẫn nhất châu Á.
Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đột phá để thu hút khách. Đó là do những góc khuyết của sản phẩm du lịch, của các dịch vụ đi kèm, của cách ứng xử xã hội đưa lại.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hanoi Red Tours cho rằng: “Hà Nội chưa định vị được những giá trị đặc trưng của ngành du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, xác định được thị trường mục tiêu và hình thức xúc tiến hiệu quả. Trong khi Thủ đô có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhiều giá trị để thu hút du lịch và cần được chắt lọc để tìm ra những giá trị, yếu tố mang tính tiêu biểu.”
Ngay cả Hoàng thành Thăng Long, một di sản văn hóa của nhân loại, nhưng vẫn chưa thực sự đông.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long cho biết: “Do Hoàng thành Thăng Long mới được công nhận là di sản thế giới, còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị nên chưa thu hút khách du lịch.”
Ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định du lịch Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung chưa gọi được là ngành công nghiệp du lịch nên hoạt động du lịch chưa thể bài bản, chưa được chuẩn hóa và chưa khai thác tối ưu tài nguyên du lịch. Du lịch Hà Nội đã làm được nhiều việc nhưng cũng vẫn còn nhiều việc cần phải làm./.
Theo TTXVN