Du lịch vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên còn chưa phát huy hết thế mạnh và tiềm năng vốn có của mình, đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi tọa đàm về liên kết du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.
Trước thềm Lễ hội Nho và Vang quốc tế - Ninh Thuận 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện những người làm du lịch của Trung ương và địa phương đã có buổi tọa đàm cởi mở, nhằm “mổ xẻ” những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc liên kết phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tiềm năng du lịch của khu vực miền Trung và Tây Nguyên là rất lớn nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết phát triển du lịch giữa hai vùng.
Lợi thế nổi bật và cũng là thế mạnh của khu vực duyên hải miền Trung là tài nguyên du lịch biển đảo. Một số địa điểm của khu vực này được du khách đặc biệt ưa thích như: Sơn Trà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận)...
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên lại được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, hấp dẫn với hệ thống núi rừng xen kẽ bình nguyên, thung lũng kết hợp với sông suối thác ghềnh.. Đây là lợi thế khiến khu vực Tây Nguyên có sức hút khó cưỡng đối với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài thắng cảnh thiên nhiên, khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và lịch sử khá phong phú và độc đáo.
Thời gian gần đây, các địa phương ở khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã chú trọng hơn đến việc kết hợp trong phát triển du lịch nhằm da dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch của địa phương; tăng thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch. Thông qua các chương trình liên kết, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng và thực hiện nhiều tour du lịch kết nối giữa hai khu vực.
Vùng Tây Nguyên có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội đua voi, lễ hội đâm trâu, lễ mừng cơm mới, lễ bỏ mả.
Tuy nhiên, tổng thu du lịch của khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn yếu (đạt gần 30.000 tỷ, chiếm khoảng 15% so với du lịch cả nước) vì vậy, đóng góp từ ngành du lịch của cả hai khu vực là chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do khách du lịch đến khu vực này dưới hình thức tour trọn gói ít chi trả các dịch vụ bổ sung. Bên cạnh đó, việc hợp tác, gắn kết du lịch giữa các địa phương ở khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc cần làm hiện nay là thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành du lịch trọng điểm và các địa phương có du lịch chưa thực sự phát triển.
Để có sự liên kết hơn nữa giữa khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có chiến lược phát triển trọng điểm và dài hơi cho ngành du lịch. Việc đầu tư cho du lịch cũng cần có trọng điểm, tránh đầu tư manh mún, dàn trải dẫn đến kém hiệu quả.
Xuân Nha
theo BVPL