Sự kiện hot
13 năm trước

Du lịch Tò mò với những 'chốn' thiên nhiên nhất Việt Nam

Vườn quốc gia Ba Bể, U Minh Hạ và Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục là những những khu bảo tồn thiên nhiên bậc nhất ở Việt Nam, mà Đất Việt giới thiệu tới độc giả.

Vườn quốc gia Ba Bể, U Minh Hạ và Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục là những những khu bảo tồn thiên nhiên bậc nhất ở Việt Nam, mà Đất Việt giới thiệu tới độc giả.

Vườn quốc gia Ba Bể

Đây vừa là một vườn quốc gia, rừng đặc dụng, vừa là khu du lịch sinh thái của Việt Nam, nằm ở tỉnh Bắc Kạn, với trung tâm là hồ Ba Bể.

Không chỉ được công nhận là khu bảo tồn tự nhiên từ năm 1977, Vườn quốc gia Ba Bể còn lọt vào danh sách 12 địa bàn được ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Vườn quốc gia Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có nhiều loài thực vật quí hiếm như: Nghiến, Đinh, Lim, Trúc dây... được ghi vào sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Đồng thời, đây là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á, với 182 loài lan, trong đó có một số loài đặc hữu, chỉ phát hiện duy nhất ở vùng này.

Ngoài ra, Ba Bể cũng có hệ động vật rất phong phú với 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện. Trong đó có nhiều loài có giá trị, quý hiếm đã được Việt Nam và quốc tế ghi vào sách Đỏ, như: Voọc đen má trắng (Trachypithecus francoisi) và Cầy vằn bắc (Hemigalus owstoni) đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nói tới Vườn quốc gia Ba Bể thì không thể không nhắc tới hồ Ba Bể - một danh thắng tuyệt sắc của Việt Nam rất hút khách du lịch. Với diện tích mặt nước là hơn 650 ha và chiều dài gần 8 km, hồ Ba Bể là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam và cũng là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và mang những giá trị to lớn về địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học.

Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm, từ cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Cambri. Diễn biến địa chất này đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m3 và dầy hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Vào năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Tháng 11/1997, hồ Ba Bể được đề cử lên UNESCO để công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tọa lạc tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc và thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi rộng (khu vực này là một vùng đá vôi rộng tới 2.000 km vuông), hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km…

Về Sơn Động, bên trong hang là hồ nước ngầm nằm sâu 13m so với mặt đất cùng vô số thạch nhũ và băng đá. Ngoài ra, nơi đây còn có hang Tiên Sơn, hang Thiên Đường... Chưa kể, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi thám hiểm trong rừng đá vôi, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu và người dân địa phương đã phát hiện thêm 7 hang động mới.

Theo Ban Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 7 hang động này nằm trên hai tuyến đi bộ khác nhau là tuyến Đại Ải và tuyến Đại Cáo, nơi rất ít người qua lại. Một số hang đã được đoàn thám hiểm đặt tên như: hang Cơn Chay, hang Gió, động Hai Cửa, hang Kỳ… Nhiều hang có độ sâu hàng trăm mét, với suối chảy mạnh phía trong, khiến đoàn không thể ngay lập tức tiếp cận

Hiện, quần thể hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang nắm giữ nhiều kỷ lục như: khu vực có hệ thống hang động nhiều nhất; có nhiều hệ thống sông ngầm nhất; hang động có vòm động rộng lớn nhất; hang động khô có chiều dài nhất; động Thiên Đường có cầu gỗ dài nhất và có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.

Giới khoa học nhận định, khu vực vườn sinh thái, các dãy núi đá vôi và các hang động được liệt vào hàng “kỳ quan” thuộc Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn ẩn chứa rất nhiều loài động, thực vât và các hiện tượng tự nhiên chờ đợi sự khám phá, phát hiện của giới nghiên cứu…

Vườn quốc gia U Minh Hạ

Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên hai huyện U Minh và Trần Văn Thời; được thành lập theo quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 20 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở nâng cấp khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi.

Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Năm 2009, cùng với Cù Lao Chàm - Quảng Nam, vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Sự phong phú của rừng tràm và muôn loài tạo nên một "thiên đường" sinh thái đặc trưng của vùng rừng U Minh Hạ. Đến nơi đây vào mùa khô, du khách dễ dàng bắt gặp từng đàn khỉ kéo nhau ra các bờ chuối tìm thức ăn ở ven bìa rừng. Các loại chim, cò tìm thức ăn bay lượn bình yên trên các dòng kênh... Khách tham quan cũng rất thú vị tham quan rừng bằng xuồng bơi, vỏ máy và tận tay hái rau, câu cá để thưởng thức các món ăn từ cá tự nhiên và rau rừng U Minh.

Không dừng ở đó, du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, khách còn có thể “đưa cay” với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...

Theo Datviet

Từ khóa: