Dantin - Những người dân cao nguyên Mộc Châu, Sơn La - nơi có số lượng đàn bò sữa đông nhất toàn quốc lại có thêm một hướng đi cho mình: Tiếp nhận các đoàn du lịch đến để vắt và… uống sữa bò trực tiếp!
Dantin - Những người dân cao nguyên Mộc Châu, Sơn La - nơi có số lượng đàn bò sữa đông nhất toàn quốc lại có thêm một hướng đi cho mình: Tiếp nhận các đoàn du lịch đến để vắt và… uống sữa bò trực tiếp!
Thi “hoa hậu bò sữa” 2005.
Bất ngờ và thích thú
Chiều thứ bảy, anh Lâm Thanh Trân một chủ trang trại có số lượng bò và sản lượng sữa lớn nhất nhì nông trường Mộc Châu (50 con bò và 120-130 tấn sữa bò tươi/năm) bất ngờ đón một đoàn khách toàn các bạn trẻ từ Hà Nội lên thăm.
Vừa xong “màn” chào hỏi thì bạn trẻ đã nhao nhao: “ Bọn em xin được ở trang trại một đêm, được cùng chủ đi vắt sữa bò và mua sữa ngay sau khi vắt có được không?”. Được cái gật đầu “vâng” của ông chủ trẻ nhóm bạn trẻ hò reo thích thú vội vàng thay quần áo kéo nhau theo anh Trân vào chuồng vắt sữa bò.
Cùng buổi tối hôm ấy, lão nông Phạm Văn Tế, chủ một trang trại bò khác ở thị trấn nông trường Mộc Châu cũng đón tiếp một gia đình đi du lịch từ TP Nam Định lên. Ông Trần Tiến Lâm, chủ “gia đình du lịch” ấy cho biết đã đi nhiều nơi nhưng lần này quyết định lên Mộc Châu để “các con có cơ hội đi thực tế ngành chăn nuôi bò”.
Không thuê phòng khách sạn, gia đình ông Lâm xin chủ trang trại căng lều ngay trên bãi cỏ, đốt lửa ăn bữa tối và ngủ trong lều như một “gia đình du mục” đích thực. Riêng hai cậu con trai học lớp 4 và lớp 8 của ông Lâm dậy thật sớm vào sáng hôm sau, xúng xính trong bộ quần áo nhà nông, quấn tạp dề, xách xô hớn hở theo gia chủ đi “vắt sữa bò” rồi chia nhau những cốc sữa mình vừa vắt được. “Chăn nuôi bò lấy sữa là chính nhưng gần đây nhiều khách du lịch có nhu cầu “ ăn trong lều, ngủ giữa thảo nguyên” kiểu như thế nên tôi …chiều tất!”, ông Tế vui vẻ nói. Ông Tế khi mua năm, bẩy tấm bạt dùng để căng lều và hàng chục chiếc tạp dề mặc khi vắt sữa để cho thuê “phòng khi đông khách đến”.
Những ngày đầu năm hay cuối năm, cao nguyên Mộc Châu có sương mù giăng giăng vào sáng sớm hay chiều tối, những cánh đồng hoa cũng bắt đầu nở ngút ngàn nên “xứ bò sữa” tấp nập khách du lịch. Không chỉ có chủ trang trại Lâm Thanh Trân và Hà Văn Tế, hơn 50 hộ chăn nuôi bò sữa tại thị trấn nông trường Mộc Châu cũng đầy hào hứng vừa “vắt sữa bò vừa tiếp khách đi tour”.
Tăng thu nhập, tích kinh nghiệm
Mỗi tuor như thế ông chủ trang trại Lâm Thanh Trân chỉ lấy của nhóm du khách 200.000 gọi là tiền phí “trang phục, phục vụ và uống sữa bò miễn phí”. “Cái chính là để khách du lịch được thưởng thức hương vị trực tiếp của sữa và các sản phẩm an toàn được chế biến từ sữa như bánh hay bơ”, ông Trân nói. Nhưng ông Trân cũng cho biết Tiền thu từ các tour “du lịch bò sữa” cũng kha khá để tái đầu tư cho chăn nuôi. “Chỉ trong 10 ngày, từ 24/9 đến 3/10, đã có 8 loạt khách đến ghé thăm trang trại và tăng thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Nếu chuyên nghiệp hơn như cho thuê thêm lều bạt, nấu ăn kiểu cao nguyên phục vụ khách thì tiền thu được nhiều hơn hẳn”, ông Trân khoe.
Theo ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, hiện tại, các sản phẩm sữa bò tươi Mộc Châu đã được lấy mẫu xét nghiệm hàm lượng melamine và được các cơ quan chức năng công nhận đủ chất lượng tiêu thụ trên thị trường. “Cty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cũng tăng giá mua sữa tươi cho bà con nông dân từ 7.600đ lên 8.000đ/lít và đảm bào thu mua toàn bộ để bà con yên tâm. Tuy nhiên, Cty cũng khuyến khích các hộ gia đình nên kết hợp chăn nuôi và làm du lịch để tăng thu nhập ”, ông Phạm Văn Nhán khẳng định.
Vẫn theo ông Nhán, tháng 10 tới, cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” truyền thống hàng năm sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch khắp nơi trên cả nước đổ về Mộc Châu tạo điều kiện cho bà con chăn nuôi bò sữa có thêm kinh nghiệm tổ chức các tour “du lịch bò sữa” trong thời gian tới.
Biến Mộc Châu thành “Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sơn La, với những lợi thế sẵn có, Mộc Châu có đủ điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, đặc trưng của một vùng cao nguyên. Các triền núi, đồng cỏ, đồi chè, vườn cây ăn quả, các khu trồng rau hoa xuất khẩu, nghiên cứu các khu rừng sinh thái, các hang động, thác nước…có thể đầu tư để biến thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch dưỡng bệnh với các suối khoáng nóng, các thảo dược trồng trên cao nguyên. Đồng thời khách du lịch cũng có thể tổ chức các tour thưởng thức văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao…
Hiện tại, Khu du lịch sinh thái Mộc Châu cũng đang hình thành với diện tích hơn 1.000 ha được thiết kế khá hoành tráng gồm Khu trung tâm du lịch sinh thái và một số khu, điểm du lịch khác. Riêng Khu trung tâm du lịch sinh thái đã được quy hoạch với quy mô 500 ha, gồm : Khu biệt thự và nhà nghỉ cuối tuần, Khu vui chơi giải trí hiện đại, Khu Khách sạn nhà hàng cao cấp, Khu Hồ trung tâm và công viên cây xanh, Khu điều đưỡng, Khu thể thao, Khu sân Golf…. “Tham vọng của Sơn La là biến Mộc Châu thành một “thành phố Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam”, ông Bình cho biết thêm.
|
Hoàng Giang