Sự kiện hot
12 năm trước

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thu hút du khách Hàn

Việc tăng lượng khách du lịch Hàn Quốc là một trong những mục tiêu của du lịch Việt Nam, phù hợp với định hướng thị trường khách du lịch quốc tế trong Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.

Việc tăng lượng khách du lịch Hàn Quốc là một trong những mục tiêu của du lịch Việt Nam, phù hợp với định hướng thị trường khách du lịch quốc tế trong Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.

Trong tổng số khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, khách Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc với số lượng khoảng hơn 700.000 lượt khách (năm 2012), tăng gần gấp đôi so với năm 2009.


Khách du lịch Hàn Quốc thăm Vịnh Hạ Long. Nguồn: TTXVN

Nhiều năm trở lại đây, người dân Hàn Quốc có xu hướng đi du lịch "hai nước một điểm đến." Những du khách có thu nhập cao thường đi theo tour với các dịch vụ chất lượng cao, chi phí cao. Trong khi đó, một bộ phận du khách lại thích kết hợp du lịch Việt Nam rồi sang Lào hoặc Campuchia bằng đường bộ với mục đích tham quan danh lam thắng cảnh kết hợp nghỉ ngơi với chi phí trung bình. Riêng lớp trẻ Hàn Quốc lại có xu hướng đi du lịch tự do để thưởng thức sự đa dạng của văn hóa, không phụ thuộc vào hãng lữ hành.

Hạ Long và Thành phố Hồ Chí Minh là hai điểm đến được khách Hàn ưa chuộng bởi chi phí không cao và có các điểm du lịch hấp dẫn.

Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển du lịch Việt Nam cho biết thông thường, mùa đi du lịch của dân Hàn Quốc dàn đều nhưng đông hơn cả vào các tháng Một, tháng Bảy và tháng Tám trong năm.

Sản phẩm du lịch Việt Nam chào bán thường là điểm đến có nhiều cảnh quan tham quan hấp dẫn ở tính lịch sử, văn hóa truyền thống và thiên nhiên; có nhiều cơ sở vui chơi giải trí và nhiều lựa chọn cho mua sắm, chăm sóc sức khỏe.

Theo thống kê giai đoạn từ năm 2000-2005, mức chi tiêu bình quân một ngày của khách du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam là 96,9 USD, đứng thứ hai sau Nhật Bản là 99,4USD và lớn hơn khách Mỹ (74,1 USD).

Đến nay, mức chi tiêu bình quân ngày của khách Hàn Quốc đi theo tour là 527,9 USD; theo tour tự sắp xếp là 259,5 USD. Thị trường khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam tăng đột biến và trở thành một trong năm thị trường dẫn đầu gửi khách đến Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc, điều này chứng tỏ Việt Nam đã đáp ứng được phần về chất lượng cũng như sản phẩm du lịch phục vụ khách Hàn Quốc.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, những yếu tố thu hút khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam là Chính phủ Việt Nam đơn phương miễn thị thực 15 ngày cho công dân Hàn Quốc có hộ chiếu phổ thông; văn hóa Việt Nam-Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng; quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển khá toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Hai Chính phủ đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21 và từ tháng 10/2009, Chính phủ hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác hợp tác chiến lược.

Người dân Hàn Quốc có thu nhập cao và Việt Nam có nhiều điểm du lịch đẹp, hấp dẫn và là thị trường gần nên khách du lịch đi lại dễ dàng.

Tuy Hàn Quốc được coi như một trong những thị trường du lịch lớn và tiềm năng đối với Việt Nam nhưng số lượng khách du lịch Hàn Quốc quay lại lần thứ hai chưa cao. Nếu năm 2008, số người quay lại Việt Nam du lịch lần thứ hai là 26% thì năm 2010 là 22,9% và đến nay số lượng này tăng nhưng vẫn hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng phải kể đến là sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu khả năng chi trả của khách du lịch Hàn Quốc. Điển hình là lực lượng hướng dẫn viên nói tiếng Hàn còn thiếu.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là công tác tuyên truyền, quảng bá ở tầm quốc gia đối với thị trường Hàn Quốc yếu và khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, chưa đầu tư kinh phí và lực lượng xứng tầm; chưa tổ chức nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách du lịch Hàn Quốc, chưa thường xuyên định kỳ tham gia các hội chợ du lịch, tổ chức các sự kiện tại thị trường Hàn Quốc…

Để thu hút du khách Hàn Quốc đến với Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch cho từng phân khúc thị trường, phù hợp với tâm lý và thị hiếu khách Hàn Quốc; nghiên cứu xây dựng website tiếng Hàn Quốc một cách chuyên nghiệp và đầy đủ thông tin với tư cách là trang web chính thức của du lịch Việt Nam để phục vụ cho quảng bá, xúc tiến trực tuyến.

Tổng cục Du lịch cũng đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách và thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch đi lại dễ dàng trên lãnh thổ Việt Nam, nhất là những du khách muốn lưu trú dài ngày tại Việt Nam (cấp hoặc miễn visa cho khách du lịch dài ngày).

Cùng với việc tổ chức các sự kiện văn hóa-du lịch thường niên tại Hàn Quốc, ngành du lịch cũng tổ chức việc điều tra, thu thập thông tin về thị trường để hỗ trợ cho công tác lập kế hoạch xúc tiến trong nước và Hàn Quốc.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dịch vụ đón khách Hàn Quốc vào Việt Nam du lịch, ngành du lịch phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động phục vụ thị trường Hàn Quốc bằng cách sử dụng những người Hàn Quốc hiện đang công tác, học tập tại Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp lữ hành quốc tế với vai trò là phiên dịch, điều hành, quản lý; thành lập và vận hành hoạt động Câu lạc bộ các doanh nghiệp đón khách Hàn Quốc; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động đón khách và phục vụ khách du lịch Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, lập kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ làm công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá từ trung ương đến địa phương; củng cố và hoàn thiện cơ cấu chức năng của đơn vị làm công tác xúc tiến theo mô hình của các nước láng giềng nhằm giải quyết được vướng mắc về cơ chế tổ chức công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đang vướng bấy lâu nay, đồng thời phát huy được nguồn lực hiện đang có để tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá hiệu quả.

Đỗ Thảo Nguyên
theo TTXVN

Từ khóa: