Với chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) và Belarus, ngành du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu trong 3 năm 2016-2018, lượng khách từ các nước này đến Việt Nam đạt 1,1 triệu lượt, tăng 50% so với năm 2015.
Du khách quốc tế tham quan Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Để khai thác nhanh, hiệu quả chính sách miễn thị thực, thu hút đông đảo khách quốc tế đến từ 5 nước Tây Âu và Belarus, Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch, Tổng cục Du lịch đã đưa ra kế hoạch hành động nhằm thu hút khách, phối hợp với Tổng công ty hàng không Việt Nam để tiến hành chương trình kích cầu du lịch.
Đây là hành động kịp thời của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang gặp khó khăn, lượng khách quốc tế suy giảm liên tiếp trong hơn 1 năm do nhiều nguyên nhân.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng như nhiều chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch nhận định trừ Belarus được miễn visa 5 năm, 5 nước Tây Âu khác chỉ được miễn trong 1 năm, thời gian này là ngắn nên nếu không phản ứng nhanh, thông tin không đến kịp thời với đối tác, chính sách visa mới này không phát huy được hiệu quả.
Bởi lẽ, khách du lịch từ thị trường Tây Âu và các thị trường xa khác đến Việt Nam thường lập kế hoạch trước khoảng 3-6 tháng, nếu khai thác tốt thì chính sách miễn visa sẽ phát huy hiệu quả ban đầu (sau khi thông tin được phổ biến đến thị trường) từ khoảng quý 4/2015 và thực sự phát huy hiệu quả từ tháng 9/2016 khi bắt đầu vào mùa khách du lịch quốc tế từ thị trường Tây Âu đến Việt Nam.
Do đó, ngay khi Nghị quyết về miễn thị thực đơn phương cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) và Belarus được ban hành, đại diện ngành du lịch trực tiếp gặp gỡ, làm việc với Đại sứ quán 6 nước tại Việt Nam để giới thiệu, thông tin về chính sách miễn thị thực cũng như cách hoạt động tăng cường thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
Thông qua đó, đại diện ngành du lịch đề nghị Đại sứ quán các nước tại Việt Nam hỗ trợ các hoạt động xúc tiến quảng bá và cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, doanh nghiệp về các chính sách mới của Việt Nam.
Tiếp theo, ngành du lịch sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại 6 nước, Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại 6 nước tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền về chính sách miễn visa với mục tiêu đẩy mạnh thông tin chính thức tại 6 nước này nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch điều chỉnh quy trình, giá sản phẩm, tổ chức thực hiện các chương trình đưa khách đến Việt Nam; thống nhất hoạt động tại các cửa khẩu quốc tế khi khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.
Việt Nam sẽ tham gia các hội chợ du lịch hàng đầu thế giới là ITB Berlin (Đức) và WTM (Anh), các hội chợ chủ chốt ở Pháp, Italy, Tây Ban Nha nhằm giới thiệu sâu các chính sách mới, giới thiệu các sản phẩm đặc thù cho mỗi thị trường...
Một chương trình kích cầu du lịch dành cho khách 5 nước Tây Âu và Belarus đã ra đời, đồng bộ giữa phát triển sản phẩm, tổ chức phục vụ khách du lịch với chất lượng đảm bảo, giá cạnh tranh trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường.
Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, chương trình này sẽ góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến của các nước Tây Âu.
Trong chương trình kích cầu này, ngành du lịch sẽ đưa ra các sản phẩm mới với giá thành giảm 20-30% so với sản phẩm thông thường; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm phù hợp, trong đó có sản phẩm liên kết quốc gia nhằm thu hút khách có nhu cầu đi thăm nhiều nước như tour du lịch xuyên Đông Dương đi 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; nối tour với Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Với chương trình này, ngành du lịch hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn đà suy giảm khách du lịch Tây Âu; tạo đà tăng trưởng của thị trường này từ đầu năm 2016, đạt độ tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm và 20% những tháng cuối năm 2016.
Thanh Giang
theo Vietnam+